Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ nhiều HTX, tổ hợp tác khác có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Ðắk Nia và Tổ hợp tác rượu cần xã Ðắk Nia (TP Gia Nghĩa).
Khuyến khích nghệ nhân truyền nghề
Cách đây 2 năm, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định về việc công nhận nghề truyền thống “Làm rượu cần” và “Dệt thổ cẩm” cho 2 tổ hợp tác tại xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa.
Trước tình trạng nghề dệt thổ cẩm có phần mai một, khoảng 10 năm trở lại đây, các cấp, các ngành, địa phương xã Đắk Nia và TP Gia Nghĩa đã chú trọng khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề cho chị em phụ nữ. Một số địa phương đã thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm góp phần giữ nghề truyền thống.
Tỉnh Đắk Nông khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề truyền thống cho phụ nữ dân tộc thiểu số |
Chị H’Bình - Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia chia sẻ: "Tổ hợp tác được thành lập hơn một năm đã góp phần giữ nghề truyền thống và tạo việc làm cho bà con. Ngoài 8 chị em tham gia Tổ hợp tác, trên địa bàn xã có nhiều chị em được học nghề".
Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với chính quyền TP Gia Nghĩa cùng với các nghệ nhân mở các lớp dạy nghề cho bà con. Sau khi kết thúc lớp học, chị em đều đã biết nghề và muốn lưu giữ nghề của mình. Nhiều chị sau khi được học nghề đã truyền lại cho thế hệ trẻ.
Hoặc như ở huyện Cư Jút, việc dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Chị H’Đă - Tổ trưởng Tổ hợp tác buôn Nui, xã Tâm Thắng cho biết, từ khi thành lập tổ hợp tác, hoạt động dạy nghề, truyền nghề có chuyển biến tích cực.
Ngoài việc góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, chị em còn có nhiều sáng tạo để làm cho sản phẩm thổ cẩm phong phú, đa dạng và phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Năm 2019, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cư Jút đã vận động chị em dân tộc Thái của xã Ea Pô thành lập tổ hợp tác và bước đầu hoạt động hiệu quả.
Thổ cẩm là một phần bản sắc tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông. Việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở các địa phương đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo sinh kế cho lao động địa phương, đóng góp tích cực phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Là một trong những địa phương ở Đắk Nông hưởng lợi từ Chương trình 135, xã Đắk N'drót (huyện Đắk Mil) quan tâm nhiều đến việc thúc đẩy sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, nên đời sống của người dân được nâng lên, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mở hướng tiếp cận công nghệ mới
Đơn cử như các ông: Triệu Đình Thi - dân tộc Nùng, Đặng Phúc Quý - dân tộc Dao, qua chương trình hỗ trợ đã trồng nhiều loại cây trồng như hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái mít, sầu riêng, bơ…
Hàng năm, trừ các khoản chi phí đầu tư sản xuất, gia đình các ông Thi, ông Quý thu được lợi nhuận 500 triệu đồng. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu, các hộ này còn tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp đỡ những gia đình nghèo về công ăn việc làm, kinh nghiệm sản xuất, tăng thu nhập…
Thời gian qua, huyện Đắk Mil đã triển khai nhiều chương trình, chính sách ưu đãi tín dụng như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm... cho 5.825 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 184 tỷ đồng.
Để giúp đồng bào ổn định đời sống, bên cạnh việc tuyên truyền vận động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, khoa học kỹ thuật, huyện Đắk Mil còn hỗ trợ kịp thời lương thực thực phẩm, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.
Thúc đẩy sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số đang được Đắk Nông chú trọng |
Ở Đắk Nông, số hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 34% tổng số hộ nghèo đa chiều trên địa bàn. Sinh kế chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số là các hoạt động sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp và nhiều hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới, thị trường, các giải pháp tài chính.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, áp dụng công nghệ của cuộc các mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh là hướng đi nhạy bén, kịp thời.
Theo bà Hạnh, tỉnh sẽ phối hợp, triển khai đánh giá đúng thế mạnh và tiềm năng của từng nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, từng khu vực để có thể phát huy tiềm năng, tạo ra sản phẩm, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Thanh Loan