Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ trong các hoạt động tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật.
Tích cực đổi mới cơ chế quản lý
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cả nước đã và đang tích cực thực hiện các nội dung về việc đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, đào tạo theo hướng tự chủ.
Đặc biệt, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho ba trường cao đẳng nghề thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, gồm Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn.
Nhiều trường nghề đang tích cực đổi mới công tác quản lý, đào tạo theo nhu cầu thị trường. |
Đơn cử, là một trong ba trường nghề được Thủ tướng Chính phủ cho phép đi đầu thí điểm cơ chế hoạt động mới, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TP.HCM) thực hiện việc đổi mới trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen.
Ts. Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, chia sẻ về thuận lợi, việc đào tạo lao động nghề ngày càng tuân theo quy luật cung - cầu của thị trường lao động. Nhận thức của người học, xã hội về giáo dục nghề có nhiều thay đổi tích cực, được coi trọng hơn. Giáo dục nghề cũng ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, được thống nhất về mặt quản lý nhà nước.
Đến nay, trường đã hình thành mạng lưới doanh nghiệp liên kết chiến lược trong đào tạo, mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp ngày càng định hình và khẳng định hiệu quả.
Quá trình cấu trúc lại mô hình tổ chức gắn với đổi mới cơ chế hoạt động, cơ cấu tổ chức của trường cũng được tiến hành mạnh mẽ thời gian qua, bước đầu khẳng định đây là bước đi đúng đắn, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, định vị thương hiệu và khẳng định uy tín của nhà trường...
Về khó khăn, cơ chế, chính sách thực hiện hoạt động đổi mới chưa đồng bộ, toàn diện. Khi đổi mới, nhà trường phải thực hiện nguyên tắc “lấy thu bù chi” để tái mở rộng hoạt động đào tạo, điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh trong tuyển sinh, đặc biệt so với các trường công lập.
Ngoài ra, một số cán bộ nhà trường vẫn còn mang tư duy chậm đổi mới, lúng túng, hiệu quả thấp khi thực hiện nhiệm vụ, thiếu cơ chế đủ mạnh dành cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề cùng với nhà trường...
Chìa khóa nâng chất giáo dục nghề nghiệp
Theo kết quả khảo sát từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sự đổi mới sáng tạo của các trường nghề hàng đầu hiện đang thể hiện rõ nhất trong việc thu hút học và nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của học viên và yêu cầu của thực tiễn thị trường.
Sự đổi mới trong công tác quản lý, dạy và học chính là chìa khóa giúp các trường nghề tăng sức hút với người học. |
Đơn cử, bên cạnh hoạt động tuyển sinh trực tiếp tại các trường cấp 2, cấp 3, không ít các trường giáo dục nghề đang thực hiện chủ trương “biến tiết học hướng nghiệp thành giờ sản xuất”.
Cụ thể, tại các buổi hướng nghiệp, nhà trường tổ chức hướng dẫn các em tự chế tác ra những sản phẩm cụ thể, thiết thực, dù rất nhỏ, như thỏi son môi, ly cocktail, lọ dầu gió, cao dán, tấm card visit, logo… qua đó, truyền cảm hứng, thu hút các em đến với trường nghề.
Ở giai đoạn hướng nghiệp sau đào tạo, các trường nghề đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc kết nối với các doanh nghiệp. Nhà trường tích cực thông tin cho học sinh, sinh viên biết đặc điểm của các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là thông tin về chỗ làm việc còn trống và điều kiện làm việc. Phối hợp với trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức tập huấn kỹ năng tìm việc, viết đơn xin việc, kỹ năng trình bày khi tham gia phỏng vấn trước nhà tuyển dụng cho học sinh sắp tốt nghiệp.
Có thể thấy, chính những thay đổi về quản lý, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường đang giúp các trường nghề gia tăng sức hấp dẫn với học sinh, sinh viên. Đặc biệt là các học sinh, sinh viên có đủ năng lực để thi vào đại học nhưng vẫn lựa chọn học nghề để tăng cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập.
Ts. Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, khẳng định việc đổi mới cơ chế quản lý được đánh giá là bước đi mang tính đột phá trong công tác giáo dục nghề nghiệp, hướng tới tạo ra mô hình mới trong quản trị nhà trường trước bối cảnh đổi mới, hội nhập, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao.
Trong thời gian tới, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, các trường nghề cần tích cực hoàn thiện, dám đột phá trong cơ chế quản lý và công tác đào tạo, đồng thời đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp nhằm gia tăng cơ hội việc làm, từ đó tạo sức hút lớn hơn với học sinh phổ thông.
Lệ Chi