Với mục tiêu rõ ràng, những năm qua, công tác đào tạo và dạy nghề để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng lao động của nguồn nhân lực trong tỉnh Điện Biên được chú trọng, ưu tiên thực hiện.
Cơ sở vật chất dần hoàn thiện
Toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện).
Hạ tầng phục vụ giáo dục nghề nghiệp ở Điện Biên đang ngày càng được hoàn thiện. |
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có ngành, nghề đào tạo tương đối đa dạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu về học nghề của lao động. Đơn cử như Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tổ chức đào tạo 7 nghề trình độ cao đẳng, 12 nghề trình độ trung cấp và hàng chục nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tổ chức đào tạo 7 ngành trình độ cao đẳng, 12 ngành trình độ trung cấp, 9 nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 20 nghề.
Các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cũng cơ bản xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề đã thường xuyên rà soát, cập nhật đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nhân rộng các mô hình đào tạo có hiệu quả, mở rộng đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, chú trọng đào tạo lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các cơ sở dạy nghề, Điện Biên cũng đang chủ động gắn đào tạo nghề với chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề, nâng cao kỹ năng, tác phong làm việc cho người lao động để sử dụng lao động sau đào tạo nghề. Gắn đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động và tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…
Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đã đào tạo nghề cho 39.945 người, bình quân 7.989 người/năm, tạo việc làm mới cho 46.143 người, bình quân 9.228 người/năm.
Tăng cơ hội việc làm cho lao động
Cùng với các chính sách hỗ trợ, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng đang rất chủ động trong việc đào tạo, liên kết để tăng cơ hội việc làm cho học viên.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh chủ động trong nâng cao chất lượng đào tạo. |
Đơn cử, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên có đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ cao, sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Các chương trình, giáo trình được xây dựng sát thực tế, bổ sung giáo trình, giáo án điện tử nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin trong giảng dạy…
Nhà trường cũng tăng cường thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tích cực trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh…
Từ năm 2020 đến nay, nhà trường đã ký kết với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến, giới thiệu việc làm cho lao động; ký kết chương trình phối hợp tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề, tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp và cung ứng, giới thiệu việc làm sau đào tạo…
Các hoạt động về tuyển sinh, đào tạo, giới thiệu việc làm của trường cũng ngày càng được đẩy mạnh, giúp thêm nhiều học sinh, sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định.
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang được các ban, ngành và các trường quan tâm, từ đó đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, HTX, tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là học viên dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động, tạo việc làm mới cho 8.700 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 65% - 70%...
Để đạt được mục tiêu này, Điện Biên chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng, tác phong làm việc cho lao động trong các thành phần kinh tế gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; thực hiện cơ cấu hợp lý tỷ lệ lao động trong các lĩnh vực, tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.
Lệ Tư