Làng nghề truyền thống Mây tre đan Long Thành Nam ở xã Long Thành Nam hình thành cách đây hơn 50 năm và tính đến nay còn 162 hộ tham gia với 382 lao động, doanh thu đạt 95.000 triệu đồng/năm, lãi 18.050 triệu đồng.
Điểm sáng ở xã Long Thành Nam
Vốn hoạt động làng nghề này chủ yếu là vốn của từng hộ gia đình và HTX. Trong đó, HTX mây tre đan Long Thành Nam giữ vai trò trung tâm trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương và thu hút lao động nông thôn và tạo thu nhập cho cư dân.
Nghề mây tre đan ở xã Long Thành Nam thu hút và tạo thu nhập cho lao động địa phương |
Nghề mây tre đan trong xã hoạt động theo cơ chế gia công, sử dụng lao động thời vụ là chính nên có thể huy động một lúc nhiều lao động cho những đơn hàng nhất định, góp phần đào tạo nghề mới thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung
Việc phát triển ngành nghề nông thôn nghề mây tre đan ở xã Long Thành Nam đã góp phần thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn thị xã Hòa Thành.
Hiện nay, xã có gần 10.600 người trong độ lao động, trong đó có gần 9.000 lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 85%. Trong 3 năm trở lại, xã đã phối hợp với các ban ngành của thị xã Hoà Thành mở nhiều lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp. Sau khi học nghề, đa số các lao động trong xã đã vận dụng có hiệu quả các kiến thức học được vào phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập.
Tại buổi khảo sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề lao động nông thôn tại xã Long Thành Nam gần đây, Chủ tịch HĐND thị xã Hòa Thành Nguyễn Văn Phong ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà xã đạt được trong thời gian qua.
Ông Phong đề nghị xã Long Thành Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của công tác đào tạo nghề. Nhất là phát triển mô hình liên kết với các công ty, xí nghiệp có nhu cầu lao động tay nghề, phối hợp đào tạo nghề theo địa chỉ để sau khi đào tạo, người lao động có việc làm ngay và thu nhập ổn định.
Thời gian qua, thị xã Hoà Thành đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết hợp với các xã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi… Kết quả, lao động có việc làm là 10.182/10.634 người, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,04 triệu đồng/năm…
Ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương
Thị xã Hoà Thành phấn đấu trong năm 2020, thu nhập bình quân đạt trên 60 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 0,8%. Đặc biệt là đa dạng hóa các hoạt động sinh kế giảm nghèo nhằm giúp người dân tăng thu nhập, tiến tới thoát nghèo bền vững.
Trong 3 năm trở lại đây, thị xã Hòa Thành đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề cho hàng trăm lao động tại địa phương. Trong đó, có các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực phi nông nghiệp cho 720 lao động và 7 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 219 lao động, với tổng kinh phí đào tạo gần 1,7 tỷ đồng.
Thị xã Hoà Thành vận động doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương |
Thị xã cũng chú trọng đến việc phát triển các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thu hút nguồn lao động nông thôn vào lĩnh vực này.
Đơn cử như HTX Thực phẩm cho mọi nhà được xem là đơn vị tiên phong trong việc đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất rau, trồng dưa lưới trong nhà kính, tưới phun mưa.
Các thành viên phấn khởi chia sẻ, nhờ tham gia vào các buổi tập huấn canh tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp họ ứng dụng vào thực tế và được ký kết hợp đồng bao tiêu với nhiều trường học, bếp ăn tập thể nên đã có đầu ra cho nông sản. Chính vì vậy, các thành viên luôn có thu nhập ổn định và yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, thị xã Hòa Thành cũng đã tập trung huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ các gia đình chính sách, tạo việc làm cho người lao động, giúp đỡ hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Thị xã đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp ưu tiên tuyển lao động địa phương vào làm việc. Hàng năm, có hơn 2.700 lao động có việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 123,81% so với chỉ tiêu.
Thanh Loan