Anh Trần Quang Cần, Giám đốc khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên (xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung) kể, vốn là nông dân tại địa phương, nhìn phong cảnh xứ mình quen mắt, cũng biết đẹp nhưng không biết khai thác thế nào.
Làm giàu từ nông nghiệp
Đến khi được các ban, ngành của huyện hướng dẫn và học hỏi việc thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, tháng 3/2019, anh Cần đã thành lập Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên và đưa vào khai thác vào cuối năm 2019 với tiêu chuẩn 3 sao.
Người dân Cù Lao Dung đang làm giàu nhờ thế mạnh vườn cây ăn quả (ảnh:TL) |
Ngoài anh Cần, những người dân ở xã An Thạnh Nam đang vươn lên làm giàu nhờ vào việc học hỏi và ứng dụng hiệu quả các mô hình kinh tế nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại.
Điển hình như mô hình tưới phun tự đồng điều khiển bằng điện thoại thông minh trên rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình như vậy có sức lan tỏa, lôi cuốn, khích lệ nông dân trong xã tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Hoặc như ở xã An Thạnh Nhất (Cù Lao Dung) được đánh giá là một trong những xã có mức thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/người/năm nhờ vào việc nguồn lao động ở đây chú trọng học nghề và có việc làm ổn định, có của ăn của để từ việc thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Toàn xã có hơn 2.000 hộ với hơn 8.000 khẩu. Xã có thế mạnh là nông nghiệp, đặc biệt là vườn cây ăn quả. Có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch sinh thái.
Tỉ lệ lao động ở xã An Thạnh Nhất có việc làm thường xuyên đạt 90,99%.Toàn xã có 43 mô hình trồng cây ăn trái cho thu nhập cao. Nhiều hộ gia đình thu nhập trên 320 triệu đồng/ha/năm với mô hình trồng ổi Đài Loan; có nhiều hộ trồng nhãn cho thu nhập 270 triệu đồng/ha/năm; hộ trồng xoái Cát Chu cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm…Cho đến nay, tỉ lệ hộ trung bình, khá, giàu của xã là 86,57%.
Bên cạnh việc vươn lên làm giàu của những người dân trên vùng đất cù lao thì việc xoá nghèo cho lao động nhàn rỗi trong huyện từ việc tạo sinh kế thông qua đào tạo nghề cũng được chú trọng.
Như ở thị trấn Cù Lao Dung, những năm gần đây, tranh thủ những lúc nông nhàn, người dân ở thị trấn phát triển nghề thủ công truyền thống là làm chổi cọng dừa từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Nhờ nghề này mà đông đảo người dân địa phương có thêm thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đưa nông dân vào làm ăn tập thể
Ông Nguyễn Văn Sĩ, Giám đốc HTX 8/3 cho biết: “Hiện trên địa bàn thị trấn Cù Lao Dung có hơn 40 xã viên theo nghề làm chổi cọng dừa. Chổi cọng dừa rất dễ làm, người già, trẻ em chỉ cần được hướng dẫn vài giờ là làm được. Nghề này đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Một người có thể làm được 30 cây chổi/ngày và được trả công bình quân từ 60.000 đến 75.000 đồng/ngày”
Lãnh đạo huyện Cù Lao Dung, cho biết huyện đã thành lập 12 HTX, 22 tổ hợp tác để đưa nông dân vào làm ăn tập thể, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP gắn với các doanh nghiệp nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, huyện cũng tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 5 loại trái cây gồm: xoài, nhãn, bưởi, thanh long và dừa, hình thành các mã số vùng trồng trên cây ăn trái, rau màu và thủy sản.
Nông dân Cù Lao Dung chú trọng học hỏi các mô hình nông nghiệp hiệu quả (ảnh:TL) |
Anh Trần Văn Phục, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thông minh ở xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung) cho biết, khi chưa thành lập HTX, tại địa phương mỗi người trồng mỗi giống rồi muốn bán đâu thì bán.
Từ khi được lãnh đạo hỗ trợ thành lập HTX đến nay, đầu ra cho trái nhãn ổn định và tham gia được thị trường châu Âu, còn trong nước đưa được vào các hệ thống siêu thị lớn, có uy tín. Hiện, HTX có tới 60 thành viên đều trồng nhãn, nhiều nhất là giống nhãn Ido.
Điều đáng mừng là có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết với HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nông hộ để phát triển công nghệ thông minh, mở rộng thị trường, góp phần tạo ra lợi thế mới thúc đẩy tăng trưởng chung trong toàn tỉnh.
Thời gian tới, huyện Cù Lao Dung sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú ý công tác đào tạo nghề có địa chỉ, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, tuyên truyền, vận động người dân nhàn rỗi trong độ tuổi lao động tham gia xuất khẩu lao động.
Thanh Loan