Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Định Hóa đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách, cách làm bài bản. Đến nay, có thể thấy những bước tiến lớn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện.
Hiệu quả đào tạo được cải thiện
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, công tác dạy và học ở Định Hóa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và ngày càng phát huy tính thiết thực.
Các chương trình đào tạo nghề ở Định Hóa đang cho thấy hiệu quả tích cực (Ảnh TL). |
Dù là nghề phi nông nghiệp hay nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được kiến thức được học, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi tại gia đình và một số HTX, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Từ đó, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Người lao động sau khi học các lớp đào tạo nghề đã phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo, nhằm tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng dịch vụ có giá trị kinh tế cao.
Ông Vũ Văn Quang, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn Thắng, xã Sơn Phú cho biết: "Trước đây, khi chưa được tiếp cận kiến thức mới, việc đầu tư của thành viên HTX còn rất hạn chế. Về sau, khi được học lớp tập huấn chè của tỉnh tổ chức, hoạt động sản xuất của các hộ dần chuyển biến, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá chè Định Hóa ổn định ở mức cao so với giá cả thị trường".
Tương tự, HTX chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng, xã Kim Phượng cũng được hưởng lợi nhờ việc các thành viên, hộ liên kết được tham gia các khóa đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ của địa phương.
Nhờ sản xuất khoa học, các hộ trồng rau của HTX Kim Phượng có thu nhập gấp 2,5 - 3 lần so với mô hình trồng lúa truyền thống. Đặc biệt, do chất lượng sản phẩm vượt trội, thương hiệu đã được khẳng định, HTX loại bỏ hoàn toàn tình trạng “được mùa mất giá”.
Chị Lê Thị Vân, thành viên HTX Kim Phượng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cấy lúa chỉ cho thu nhập hơn 1 triệu đồng/sào/năm. Sau khi tham gia chương trình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX, thu nhập tăng gấp 3, lên hơn 3 triệu đồng/sào/năm”.
Lựa chọn hướng đào tạo nâng cao
Ở quy mô hộ gia đình, với mong muốn có thêm kiến thức để mở rộng chăn nuôi gà thay thế cho chăn nuôi lợn bị thất bại do đợt dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, chị Nông Thị Oanh, xóm Thái Chi, xã Kim Phượng đã đăng ký học lớp phòng và trị bệnh cho gà do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức.
Định Hóa sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo theo hướng nâng cao (Ảnh TL). |
Với kiến thức học được, chị Oanh đã vận dụng vào thực tế của gia đình mình. Chị Oanh chia sẻ: "Sau đợt dịch tả lợn hoành hành, nhà tôi phải treo chuồng một thời gian dài. Sau khi tham gia lớp học về chăn nuôi gà, tôi quyết định chuyển sang nuôi gà theo chuẩn VietGAP. Đến nay, gia trại cho thu nhập ổn định từ 60 – 80 triệu đồng/năm”.
Theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Định Hóa, thực tế cho thấy việc đào tạo nghề của huyện không gặp quá nhiều khó khăn, cán bộ, giảng viên sẵn sàng đến tận các xã “cầm tay chỉ việc”.
Có rất nhiều chương trình được Trung tâm dạy nghề của huyện đem đến cho lao động nông thôn như nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gà, nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng và nhân giống nấm, trồng rau hữu cơ…
Các chương trình này đã góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, qua đó vật nuôi, cây trồng được kiểm soát tốt hơn, nhân dân mạnh dạn đầu tư thành gia trại, vùng hàng hóa.
Đơn cử như vùng chè Sơn Phú, Bình Thành. Từ chỗ chỉ là nguyên liệu thô xuất bán, nay chè Sơn Phú sản xuất, chế biến bằng công nghệ mới, đóng túi tại chỗ, đạt giá trị thương phẩm trên 200.000 đồng/kg (tăng gấp 4 lần so với thời điểm năm 2009 khi còn sản xuất theo phương pháp cũ…).
Theo thống kê của UBND huyện, toàn địa bàn hiện có trên 100 gia trại và trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp có qua đào tạo đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, các gia trại, trang trại địa phương thu hút thêm trên 200 lao động, tạo được việc làm và thu nhập ổn định.
Từ thực tế này có thể thấy, sau đào tạo và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, các gia trại, trang trại và các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ trong quy hoạch và hợp tác sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, công tác tư vấn, quy hoạch về đào tạo nghề tại các địa phương cần bám sát xu hướng và tương tác liên kết giữa các nghề hỗ trợ nhau, hình thành hệ thống dịch vụ kỹ thuật đáp ứng tốt cho sản xuất, kinh doanh.
Lệ Chi