Để nâng cao hiệu quả, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Văn Chấn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Phần lớn các học viên sau khi học nghề đã phát huy ngành nghề được đào tạo, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo.
Ổn định cuộc sống nhờ học nghề
Là địa phương còn nhiều khó khăn, những năm qua, xã Thạch Lương luôn xác định đẩy mạnh công tác đào đạo nghề nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Định kỳ hàng năm, xã phối hợp với cơ quan chức năng huyện, các HTX để tổ chức tối thiểu 2 lớp dạy nghề đan mây, tre và trồng rau an toàn cho 60 - 80 học viên, cho thấy những kết quả tích cực.
Các lớp dạy nghề ở Văn Chấn thu hút đông đảo lao động nông thôn tham gia (Ảnh TL). |
Đơn cử, nhờ được học nghề đan mây tre do Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Chấn mở trên địa bàn xã, chị Hoàng Thị Lắm và bà con thôn Nậm Tọ nhận thấy đây là nghề phụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó mỗi khi xong mùa màng, gia đình chị lại tập trung cùng làm.
Chị Lắm cho biết: "Mỗi tháng, nhà tôi xuất bán 5.000 - 6.000 chiếc rổ, rá, khay đựng làm từ mây, tre cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Ngoài việc đồng áng, chăn nuôi, gia đình có thêm thu nhập từ nghề đan, bình quân đạt 4 - 5 triệu đồng/tháng”.
Theo đại diện UBND xã Thạch Lương, với mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân lên trên 35 triệu đồng/người/năm, xã sẽ tiếp tục phối hợp mở lớp học đan mây tre, trồng rau an toàn cho người dân, bởi đây là những nghề thực sự đem lại thu nhập khi sản phẩm làm ra đã được các HTX, doanh nghiệp thu mua, giá cả ổn định.
Tương tự, xã Sơn Thịnh những năm qua cũng đạt được nhiều thành tựu trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là sự hiện diện của HTX Vạn Hoa, thành lập vào năm 2014.
Với sự hỗ trợ từ Liên minh HTX tỉnh, chính quyền các cấp về vốn, cơ chế chính sách, HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh chế biến chè.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Tham gia HTX Vạn Hoa, các hộ thành viên không chỉ được bao tiêu sản phẩm mà còn được cung ứng vật liệu đầu vào chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (tất cả được tuyển chọn kỹ, nằm trong danh mục cho phép), đồng thời được tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng cũng như năng suất.
Sự tham gia của các HTX góp phần đưa hoạt động dạy nghề, tạo việc làm ở Văn Chấn nâng cao hiệu quả (Ảnh TL). |
Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc HTX Vạn Hoa cho hay: "Người lao động của HTX chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Thái ở các xã trong huyện và cuộc sống còn nhiều khó khăn. Từ khi thành lập HTX, chúng tôi đã chủ động tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương với mức thu nhập cao nhất có thể. Có như vậy mới giúp cho HTX phát triển bền vững, đứng vững trên thị trường”.
Theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Văn Chấn, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, huyện đã chủ động xây dựng các kế hoạch dạy nghề cụ thể, theo thế mạnh tại từng địa phương.
Đồng thời, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm thông qua các buổi họp từ xã, thị trấn đến các thôn, bản.
Đến nay, để công tác dạy nghề phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của người dân, Trung tâm đã đưa 17 nội dung dạy nghề vào giảng dạy. Trong đó, nghề phi nông nghiệp phổ biến như sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy, may mặc, gò hàn; nghề nông nghiệp như trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y, sản xuất rau an toàn, chế biến chè...
Không chỉ có cơ hội tham gia làm việc tại các HTX, doanh nghiệp, sau các khóa học nghề, người lao động còn tự tạo việc làm ngay tại gia đình dưới nhiều hình thức như đưa kiến thức được học vào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Điển hình như nghề trồng nấm được phát triển khá mạnh ở xã Sơn A, Phúc Sơn; nuôi lợn ở Phù Nham, Thanh Lương; nghề trạm khắc đá ở Sơn Thịnh...
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm nhằm góp phần đắc lực cho công tác xóa đói giảm nghèo, tăng cường nguồn nhân lực qua đào tạo, đáp ứng các yêu cầu về phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ hội nhập.
Lệ Chi