Việc triển khai hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn huyện đã và đang góp phần thúc đẩy giảm nghèo. Các chương trình đào tạo cơ bản giúp người lao động có ý thức về học nghề gắn với việc làm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, từ đó tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Học đi đôi với hành
Năm 2014, sau khi được tạo điều kiện tham gia lớp học nghề chăn nuôi của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, ông Nguyễn Quang Dũng, khu 6, thị trấn Phong Châu đã quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Được học nghề giúp nông dân tự tin khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả (Ảnh TL). |
Đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Dũng duy trì quy mô hơn 20.000 con gà thịt mỗi năm. Không chỉ đảm bảo thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trang trại đang tạo việc làm cho 5 – 7 lao động tại chỗ, mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
“Các kiến thức học nghề cùng với kinh nghiệm sẵn có giúp tôi rất nhiều trong quá trình chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình trang trại quy mô lớn. Điển hình như việc áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ, tuyển chọn nguồn thức ăn, xử lý chất thải, tiêm phòng dịch bệnh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Dũng cho hay.
Không chỉ tự tin khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế riêng, nhiều học viên sau khi học nghề đã liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện.
Đơn cử, sau khi tham gia lớp học nghề hàn, cắt gọt kim loại của huyện, 5 hộ gia đình ở xã Phú Lộc đã bắt tay thành lập Tổ hợp tác cơ khí Phú Lộc nhằm phát triển sản xuất lớn. Sau hơn 3 năm thành lập, hoạt động của Tổ hợp tác ngày càng ổn định, doanh thu hàng năm đạt trên 500 triệu đồng.
Đặc biệt, với trình độ kỹ thuật cao, thành viên Tổ hợp tác luôn sẵn sàng tiếp nhận những người có nhu cầu học nghề, tạo điều kiện để họ có thể thực tập ngay tại chỗ nhằm tích lũy kinh nghiệm, làm điểm tựa để sau đó xây dựng xưởng sản xuất riêng, hoặc tham gia làm việc tại các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương.
Kết hợp nhiều giải pháp
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, các trung tâm, trường nghề trên địa bàn huyện Phù Ninh đã mở được 23 lớp đào tạo nghề cho 835 lao động nông thôn. Huyện đã giải quyết việc làm cho 8.548 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề đạt 90%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 37%, lao động có việc làm thường xuyên đạt 90%...
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn sẽ tiếp tục được huyện đẩy mạnh (Ảnh TL). |
Trên địa bàn huyện đã xây dựng và duy trì được nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nghề ở từng địa phương như mô hình trồng hoa tại xã Tiên Du, mô hình nuôi cá nước ngọt tại xã Tử Đà, mô hình nuôi rắn tại xã Trung Giáp, mô hình trồng cây cảnh tại xã Phú Lộc…
Bên cạnh các giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động là một hướng đi hiệu quả bền vững. Thực hiện tốt chương trình giải quyết việc làm - giảm nghèo của huyện, chất lượng nguồn lao động từng bước được cải thiện, đời sống gia đình có người đi xuất khẩu lao động được nâng lên rõ rệt.
Bình quân mỗi năm, huyện xuất khẩu 100 – 200 lao động, chủ yếu sang thị trường các nước như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... Lao động đi làm việc ở nước ngoài có mức thu nhập trung bình khá cao, khoảng trên 20 triệu đồng/tháng/lao động. Một số địa phương có số người tham gia xuất khẩu lao động nhiều như xã Liên Hoa, xã Tiên Du…
Đại diện Phòng LĐTB&XH huyện Phù Ninh cho biết, để có được những thành công trên, thời gian qua, huyện đã chú trọng hoàn thiện, củng cố mạng lưới các trường, trung tâm dạy nghề. Xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp và gắn với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, HTX, doanh nghiệp.
Các đơn vị dạy nghề tập trung vào các nhóm ngành nghề chính như công nghệ kỹ thuật gồm nhóm nghề điện - điện tử, công nghệ thông tin; nhóm nghề cơ khí gồm công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại; sửa chữa, vận hành máy. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp phổ biến như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,…
Trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, nâng cao vai trò của các HTX, doanh nghiệp.
Huyện cũng chủ động theo dõi tình hình biến động về số lượng và chất lượng lao động, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động gắn với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế để có kế hoạch đào tạo phù hợp, ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ. Đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, kết hợp dạy nghề với việc phát triển các làng nghề truyền thống để truyền nghề.
Mỹ Chí