Xác định rõ tôn chỉ hành động, những năm qua, ngành nông nghiệp xã Vĩnh Tường đã tích cực phối hợp với ban ngành chức năng, HTX, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hàng trăm lượt nông dân nhằm giúp họ dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất.
Học canh tác theo phương thức mới
HTX Tân Long, ấp Tân Long đang là một trong những đơn vị điển hình trong phát triển nông nghiệp hiện đại theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã Vĩnh Tường, đặc biệt là hiệu quả trong công tác tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho thành viên, người lao động, nông dân liên kết.
Học nghề giúp nông dân dễ dàng ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất (Ảnh TL). |
Hiện, HTX Tân Long đang có 51 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích 59 ha. Nhờ sản xuất khoa học, sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” của HTX đã có tem truy xuất nguồn gốc, đang được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét chứng nhận nhãn hiệu.
Trong 3 năm trở lại đây, từ việc tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng lúa sạch, các thành viên của HTX Tân Long đang nắm chắc kiến thức, tự tin tổ chức mô hình sản xuất lúa hữu cơ với những quy trình nghiêm ngặt.
Điển hình, ông Châu Thanh Bạch, thành viên HTX Tân Long chia sẻ: "Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi nhanh chóng triển khai áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Điều này vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng vừa mang lại giá trị cao hơn cho cây lúa".
Theo ông Bạch, trong các khóa đào tạo, tập huấn nông nghiệp ngắn hạn của xã và huyện, ông và các thành viên HTX được học cách sử dụng máy móc thuần thục, cách khắc phục những sự cố cơ bản khi vận hành máy móc, đảm bảo an toàn lao động, nâng cao hiệu quả.
Hay trong quá trình chăm sóc lúa, các thành viên HTX tự tin triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, áp dụng quản lý dịch hại IPM, sử dụng hiệu quả các loại thiên địch để tiêu diệt côn trùng có hại…
Nhờ sản xuất khoa học, năng suất lúa của HTX Tân Long đạt trung bình 5,2 - 6,7 tấn/ha, chỉ thấp hơn sản xuất lúa vô cơ 0,5 - 0,8 tấn/ha nhưng giá thành bán ra cao hơn khoảng 500 đồng/kg, chi phí đầu tư cho 1 ha lúa cũng giảm 7-8 triệu đồng do sử dụng chất hữu cơ. Như vậy, tính bình quân, nông dân sản xuất lúa hữu cơ có lợi nhuận gấp khoảng 1,2 lần so với lúa vô cơ.
Ứng dụng hiệu quả vào thực tế
Bên cạnh công tác đào tạo, tập huấn giúp nông dân thành thạo nghề trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, thời gian qua, xã Vĩnh Tường cũng triển khai hiệu quả các khóa dạy nghề nông nghiệp khác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Kiến thức từ học nghề giúp nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập cao (Ảnh TL). |
Theo thống kê, toàn xã hiện có 5 mô hình trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ, hơn 30 mô hình sản xuất có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, hàng chục tổ, nhóm, câu lạc bộ sản xuất theo hướng sản xuất đa canh, liên kết, hợp tác.
Trang trại chăn nuôi lợn với quy mô gần 300 con/lứa của gia đình ông Mai Văn Hải đang là mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn xã Vĩnh Tường, với thu nhập bình quân hàng năm trên 300 triệu đồng.
Ông Hải cho hay, sau nhiều năm kinh tế khó khăn, ông có cơ hội tham gia vào lớp dạy nghề chăn nuôi hữu cơ do huyện tổ chức. Sau khi kết thúc khóa học, ông về bàn với gia đình mở rộng quy mô gia trại thành trang trại, trang bị đầy đủ các loại máy móc cần thiết để phục vụ chăn nuôi hiện đại.
“Nhờ nắm vững kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, ngay cả vào thời kỳ dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đàn lợn nhà tôi vẫn an toàn, cho giá trị kinh tế cao. Những thời điểm lâm nguy như vậy mới thấy được cái lợi của việc được đào tạo bài bản, nắm vững kiến thức”, ông Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh các nghề nông nghiệp, xã Vĩnh Tường cũng rất tích cực kết nối với các cơ quan đào tạo nghề của huyện để tạo điều kiện cho lực lượng lao động trong xã tham gia các lớp học nghề phi nông nghiệp như đan lục bình, kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng...
Thông qua việc dạy nghề này sẽ giúp cho lao động ở địa phương sớm có công việc ổn định và nâng cao đời sống. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục kết nối các đơn vị đào tạo với HTX, doanh nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động sau học nghề, đặc biệt giúp người lao động vận dụng vào thực tế, làm giàu trên chính mảng đất, thửa ruộng quê hương.
Lệ Chi