Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã khuyến khích thành lập mô hình hội quán theo hình thức liên kết sự tự nguyện của nông dân, hỗ trợ nhau trong sản xuất, hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm mới.
Chia sẻ để hiểu biết hơn
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngành chuyên môn đẩy mạnh các khóa đào tạo nghề, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin thị trường và vận động hỗ trợ các trang thiết bị cho các hội quán.
Định kỳ hàng tuần, các hội quán quy tụ nông dân lại với nhau cùng sinh hoạt, bàn chuyện sản xuất, truyền dạy kinh nghiệm nghề nghiệp cho nhau.
Tại các buổi sinh hoạt, kỹ sư nông nghiệp và nhà khoa học sẽ trực tiếp đào tạo nghề, hướng dẫn, chuyển giao những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, hiện có 29 nghề nông nghiệp được tỉnh tập trung đào tạo gồm 17 nghề trồng trọt, 5 nghề chăn nuôi và 7 nghề nuôi trồng thủy sản, thời gian đào tạo 15 ngày/khóa.
Việc xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình các nghề mới được tỉnh thực hiện chặt chẽ, khoa học, dựa trên nền tảng giáo trình của Bộ NN&PTNT biên soạn, được cập nhật thường xuyên hàng năm, đảm bảo phù hợp với việc dạy, học nghề, đối tượng người học và đặc điểm của vùng, thích ứng tốt điều kiện sản xuất của địa phương.
Đồng Tháp tổ chức xây dựng chương trình, giáo trình về kinh tế nông nghiệp từ 5-10 tiết để bổ sung vào chương trình, giáo trình hiện có, từng bước đào tạo và hỗ trợ nông dân chuyển tư duy, kỹ năng từ “sản xuất nông nghiệp” sang làm “kinh tế nông nghiệp”. Hình thành đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp” tiên phong, uy tín, tâm huyết làm lực lượng nòng cốt, đầu tàu để vận động, khơi dậy tính tự lực, hợp tác của người dân với nhau, đồng thời có kiến thức về kinh tế nông nghiệp.
Các lớp dạy nghề, chia sẻ kinh nghiệm giúp lao động nông thôn nâng cao năng lực sản xuất. |
Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp xây dựng chương trình, giáo trình kỹ thuật nuôi cá thác lác cườm, kỹ thuật ương cá tra giống...
Qua học nghề, lao động nông thôn đã nắm bắt được những kiến thức, kỹ thuật mới, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Hiện tỉnh có khoảng 80% lao động áp dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Nâng chất các chương trình đào tạo
Tương tự, công tác đào tạo nghề và tập huấn chuyển đổi cây trồng hiệu quả theo hướng hàng hóa đã và đang góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn, tạo ra đội ngũ lao động chuyên nghiệp, lành nghề ở xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh).
Chà Là là địa phương đi đầu trên địa bàn huyện Dương Minh Châu về công tác đào tạo nghề, với nhiều phương cách tạo sinh kế, dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho lao động nông thôn, trong đó có đóng góp lớn của HTX sản xuất nông nghiệp Chà Là.
Với mong muốn hỗ trợ thành viên cùng nhau sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững, ngoài sản xuất các loại rau ăn lá, thời gian gần đây, HTX Chà Là đã định hướng và tham gia tổ chức tập huấn cho các thành viên, hộ liên kết phát triển thêm cây măng tây trong nhà lưới.
Ngoài ra, HTX Chà Là còn tư vấn cho nông dân địa phương trong thời gian chờ thu hoạch măng tây trồng xen canh một số loại cây như đậu đen, đậu xanh để “lấy ngắn nuôi dài”, tăng vòng quay của đất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc HTX Chà Là, cho hay trong bối cảnh hội nhập, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để người nông dân nâng cao giá trị sản xuất. Cây măng tây được trồng trong nhà lưới hạn chế được tác động tiêu cực của thời tiết, giảm được chi phí chăm sóc. Về lợi nhuận, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 60 triệu đồng/1.000m2.
Không chỉ có HTX Chà Là với mô hình dạy nghề trồng măng tây, những năm qua, xã Chà Là đã tích cực mở các lớp dạy nghề, các khóa tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi an toàn cho người dân, như nuôi cá lồng bè, trồng cây có múi, trồng hoa kiểng...
Cùng với hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ từ các cấp quản lý của huyện, tỉnh là điểm tựa để xã xây dựng thành công nhiều mô hình tiểu thủ công nghiệp (làm chiếu, sẽ nhang, đan lát), chăn nuôi, trồng cây dược liệu, phát triển cây ăn quả ôn đới,… cho thu nhập cao.
Có thể thấy, trong thời đại kết nối toàn cầu, liên kết với HTX và doanh nghiệp là điều kiện tất yếu để nông dân nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động. Nhưng để liên kết được thì cần có trình độ, vì vậy các địa phương cần tăng cường đào tạo nghề cho lao động, qua đó hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, đủ trí và lực để xây dựng chuỗi, khởi nghiệp làm giàu.
Pha Lê