Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, các trung tâm, trường nghề trên địa bàn huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công hơn 30 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho 8.548 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề đạt 90%, lao động có việc làm thường xuyên đạt 90%...
Giải pháp đào tạo nghề hiệu quả
Để đạt được những thành công tích cực trên, thời gian qua huyện Phù Ninh đã đã xây dựng và duy trì được nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nghề ở từng địa phương.
Điển hình có thể kể đến các mô hình trồng hoa tại xã Tiên Du, mô hình nuôi cá nước ngọt tại xã Tử Đà, mô hình nuôi rắn tại xã Trung Giáp, mô hình trồng cây cảnh tại xã Phú Lộc, mô hình Tổ hợp tác cơ khí Phú Lộc tại xã Phú Lộc…
Năm 2014, sau khi được tạo điều kiện tham gia lớp học nghề chăn nuôi của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, ông Nguyễn Quang Dũng, khu 6, thị trấn Phong Châu đã quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Dũng duy trì quy mô hơn 20.000 con gà thịt mỗi năm. Không chỉ đảm bảo thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trang trại đang tạo việc làm cho 5 – 7 lao động tại chỗ, mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
“Các kiến thức học nghề cùng với kinh nghiệm sẵn có giúp tôi rất nhiều trong quá trình chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình trang trại quy mô lớn. Điển hình như việc áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ, tuyển chọn nguồn thức ăn, xử lý chất thải, tiêm phòng dịch bệnh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Dũng cho hay.
Các địa phương cần phát huy vai trò của HTX trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Ảnh: TL). |
Tương tự, với mục tiêu xóa sổ hộ nghèo, trong những năm qua, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm.
Đáng chú ý, công tác dạy nghề, tạo việc làm trên địa bàn huyện Đông Sơn còn có dấu ấn đậm nét của các đơn vị kinh tế hợp tác, HTX. Điển hình, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Sơn đã chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở hội thành lập nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ.
Tiêu biểu như HTX sản xuất và tiêu thụ nấm ăn do phụ nữ làm lãnh đạo ở xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn được thành lập năm 2014 với 18 thành viên, đến nay đã tăng lên 35 thành viên.
Hóa giải các rào cản
Tham gia HTX Đông Hòa, các thành viên được Hội phụ nữ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng nấm, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư lò sấy để sản xuất nấm với quy mô tập trung. Hiện nay, mỗi hộ đều duy trì từ 4 - 5 vạn bịch nấm và mộc nhĩ.
Ngoài HTX sản xuất nấm Đông Hòa, phụ nữ huyện Đông Sơn có thêm hai Tổ liên kết sản xuất nấm ăn tại các xã Đông Tiến, Đông Văn. Các HTX, tổ liên kết trồng nấm đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, chị em chủ động hơn về kinh tế, tự tin, mạnh dạn đầu tư làm ăn, góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại hầu hết các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dạy nghề nông thôn. Số lượng HTX, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo và sau đào tạo còn ít.
Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cũng chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ dạy nghề, chưa gắn kết hiệu quả với HTX, doanh nghiệp, chậm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo...
Đặc biệt, rào cản lớn nhất hiện nay trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện đó là lực lượng lao động nông thôn chưa thực sự “mặn mà” với việc học nghề, lập nghiệp. Các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt chủ yếu vẫn dựa theo kinh nghiệm truyền thống.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng với xu hướng phát triển hiện nay, trong thời gian tới, các địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình dạy nghề đạt hiệu quả, dạy nghề cho lao động gắn với tạo việc làm.
Đặc biệt, tình hình thực tế chỉ ra các địa phương cần chú trọng phát huy vai trò của HTX cả trong công tác dạy nghề và tiếp nhận lao động sau học nghề. Việc hỗ trợ các HTX lớn mạnh, làm ăn hiệu quả chính là tiền đề để các HTX tham gia vào công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Minh Khôi