Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất; hàng chục nghìn lao động nông thôn được học nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, góp phần giúp các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới ở lĩnh vực lao động, việc làm và thu nhập của người dân...
Thay đổi tư duy học nghề của lao động nông thôn
Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia thực hiện đề án; trong đó có 5 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 1 doanh nghiệp, 8 cơ sở đào tạo khác.
Sau khi được học nghề, người dân có thể áp dụng ngay vào thực tế sản xuất. |
Qua 10 năm thực hiện Đề án 1956 (Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ), đã có hơn 27.000 lượt lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề miễn phí. Trong đó, 20.000 lượt lao động học nghề phi nông nghiệp, hơn 7.000 lượt lao động học nghề nông nghiệp; tỷ lệ lao động có việc làm ngay sau học nghề đạt 93 - 98%.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên cho biết, dự kiến từ nay đến hết năm 2020 sẽ có thêm gần 12.000 lao động nông thôn được học nghề miễn phí theo Đề án 1956. Đề án sẽ tập trung ưu tiên đào tạo nghề miễn phí cho các nhóm đối tượng người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất, người thuộc hộ cận nghèo, lao động nữ bị mất việc làm.
Mục tiêu căn bản trong triển khai Đề án của tỉnh Hưng Yên là thay đổi tư duy học nghề lao động nông thôn; gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bảo đảm trên 90% số lao động nông thôn sau học nghề phi nông nghiệp có việc làm và người học nghề nông nghiệp có thu nhập cao hơn.
Để làm được điều này, các ngành chức năng của tỉnh chú trọng công tác dự báo nguồn nhân lực. Hằng năm, tỉnh tiến hành các cuộc điều tra, dự báo nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kịp thời phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Dự báo nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 146.470 người, trong đó lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp là 1.920 người, chiếm tỷ lệ 1,31%; công nghiệp, xây dựng là 78.100 người, chiếm tỷ lệ 53,32%; thương mại, dịch vụ là 66.450 người chiếm tỷ lệ 45,37%. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh là 157.940 người, tăng 7,83% so với năm 2020.
Hiệu quả của “cầm tay chỉ việc”
Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả thiết thực. Sau khi được học nghề, người dân có thể áp dụng ngay vào thực tế sản xuất, hoặc tự tạo ra việc làm mới, hay xin được vào làm việc có thu nhập ổn định tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa phương.
Phương thức đào tạo nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và “học đi đôi với hành” có hiệu quả cao. |
Gia đình chị Trần Thị Nghĩa, ở thị trấn Trần Cao (huyện Phù Cừ) trước đây từng nằm trong danh sách hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ ý chí quyết tâm thoát nghèo, thay đổi tư duy sau khi được học nghề nên mức thu nhập, chất lượng cuộc sống của gia đình ngày càng thay đổi tốt lên.
“Trước đây, do không có kiến thức nên việc chăn nuôi của gia đình chủ yếu tự phát, mỗi lứa chỉ nuôi vài con ngan, vịt, vài chục con gà; có lứa con giống chết hết, không những không có lãi mà vốn cũng cụt dần, kinh tế gia đình luôn trong tình trạng khó khăn. Từ năm 2015, sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi - thú y, tôi đã nhanh chóng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Qua mỗi lứa chăn nuôi gia súc, gia cầm thành công, tôi lại nhân đàn để tiếp tục chăm sóc và nâng cao lợi nhuận:, chị Nghĩa chia sẻ.
Không chỉ riêng gia đình chị Nghĩa thực hiện Đề án 1956 đã có hàng trăm lao động nông thôn thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề miễn phí, được cập nhật thông tin thị trường, thay đổi tư duy kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Điển hình như mô hình “Dạy và nhân rộng làng nghề truyền thống” do HTX chạm bạc Phù Ủng thực hiện tại xã Phù Ủng (huyện Ân Thi), mô hình “Đào tạo nghề mây tre đan” do Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Phú Minh Hưng Yên thực hiện đã và đang góp phần duy trì, phát triển những làng nghề truyền thống và đem sản phẩm thủ công "Made in Hưng Yên" vươn ra thị trường thế giới.
Ông Đỗ Xuân Chuyển - Giám đốc HTX HTX chạm bạc Phù Ủng cho biết: HTX thành lập từ năm 1998, tạo công ăn việc làm cho các lao động, các hộ gia đình thiếu vốn nhận hàng về làm. Hiện nay, HTX không chỉ thu hút số lượng lớn lao động mà còn đào tạo tay nghề cho người học việc ở các địa phương khác, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giữ gìn nghề làm trang sức thủ công truyền thống của dân tộc.
Đặc thù của nghề kim hoàn rất khắt khe, không chỉ đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, mà còn đòi hỏi đôi bàn tay tài hoa khéo léo để trổ các hoa văn tinh tế trên các sản phẩm vàng, bạc. Người thợ cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại trong từng công đoạn. Muốn trở thành một thợ kim hoàn giỏi, chế tác được các mặt hàng theo yêu cầu của khách trước hết người thợ phải có năng khiếu, chịu khó và sáng tạo thì mới gắn bó được lâu dài với nghề. Chính vì vậy, phương thức đào tạo nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và “học đi đôi với hành” là hết sức phù hợp và hiệu quả.
Đức Nguyễn