Đơn cử, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, định kỳ hàng năm, xã Thạch Lương (Văn Chấn, Yên Bái) tổ chức phối hợp, liên kết với cơ quan chức năng huyện, các HTX để tổ chức tối thiểu 2 lớp dạy nghề đan mây, tre và trồng rau an toàn cho 60 - 80 học viên.
Thúc đẩy liên kết
Nhờ những mối liên kết bền chặt trong dạy nghề, các chương trình đào tạo trên địa bàn xã Thạch Lương đang cho thấy những thành công tích cực, trở thành “chiếc nôi” đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm người dân.
Đơn cử, nhờ được học nghề đan mây tre do Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Chấn mở trên địa bàn xã, chị Hoàng Thị Lắm và bà con thôn Nậm Tọ nhận thấy đây là nghề phụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó mỗi khi xong mùa màng, gia đình chị lại tập trung cùng làm.
Chị Lắm cho biết: "Mỗi tháng, nhà tôi xuất bán 5.000 - 6.000 chiếc rổ, rá, khay đựng làm từ mây, tre cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Ngoài việc đồng áng, chăn nuôi, gia đình có thêm thu nhập từ nghề đan, bình quân đạt 4 - 5 triệu đồng/tháng”.
Theo đại diện UBND xã Thạch Lương, với mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân lên trên 35 triệu đồng/người/năm, xã sẽ tiếp tục phối hợp mở lớp học đan mây tre, trồng rau an toàn cho người dân, bởi đây là những nghề thực sự đem lại thu nhập khi sản phẩm làm ra đã được các HTX, doanh nghiệp thu mua, giá cả ổn định.
Liên kết giữa cơ sở dạy nghề, các HTX và doanh nghiệp mở ra nhiều cơ hội hơn cho lao động sau khi học nghề. |
Không chỉ ở Thạch Lương, những năm qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Văn Chấn có nhiều khởi sắc. Theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Văn Chấn, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, huyện đã chủ động xây dựng các kế hoạch dạy nghề cụ thể, theo thế mạnh tại từng địa phương.
Đồng thời, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm thông qua các buổi họp từ xã, thị trấn đến các thôn, bản.
Phát triển nghề mới
Bên cạnh chủ động liên kết trong dạy nghề, nhiều địa phương cũng đang chủ động phát triển thêm những ngành nghề mới, giúp nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Điển hình, với vai trò đầu tàu trong công tác dạy nghề cho lao động tại địa phương, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa những năm qua đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, định hướng phát triển đào tạo theo nhu cầu thị trường.
Với mô hình vừa dạy văn hóa, vừa kết hợp với liên kết đào tạo nghề, hiện nay, Trung tâm có hơn 500 học sinh đang theo học, hàng năm cung cấp 150 - 200 học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề chính quy vào thị trường việc làm.
Để dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, học sinh sau đào tạo, cũng như cung cấp cho thị trường nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của HTX, doanh nghiệp, người sử dụng lao động..., Trung tâm đã liên kết đào tạo các nghề gia công, thiết kế các sản phẩm mộc, kỹ thuật điêu khắc gỗ, quản trị mạng máy tính...
Sau các lớp đào tạo, hầu hết học viên đều nắm vững kiến thức cơ bản, tự tin tham gia thị trường lao động, hoặc tự khởi nghiệp. Riêng với nghề mộc, điêu khắc gỗ, đơn vị đào tạo bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 100% lao động, học sinh sau khi ra trường.
Dù đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nông nghiệp vẫn là một ngành mũi nhọn của huyện Yên Định. Vì vậy, công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ trồng trọt, chăn nuôi cho người nông dân địa phương vẫn đặc biệt được chú trọng.
Theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Định, với các lớp chuyển giao khoa học – kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi thú y..., sau khi học nghề, nhiều lao động đã đứng ra thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ trồng ớt xuất khẩu, sản xuất lúa giống, sản xuất lúa chất lượng, nuôi cá, nuôi lợn, gà, vịt...
Đáng chú ý, để tăng cơ hội việc làm cho lao động sau khi học nghề nông, huyện chú trọng nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác. Huyện hiện có 34 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các HTX tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch lại ruộng đồng, mở rộng diện tích các loại cây có giá trị kinh tế cao, như bí ngô, bí xanh, ngô ngọt, rau an toàn, sản xuất lúa giống, ớt cay xuất khẩu, ngô dày, khoai tây.
Bên cạnh đó, các HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức dạy nghề, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Có thể thấy, các chương trình đào tạo nghề nông thôn ở nhiều địa phương đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa các đơn vị đào tạo nghề, HTX và doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia các hình thức đào tạo khác như truyền nghề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung thêm kiến thức hoặc tay nghề. Từ đó giúp người lao động có việc làm ổn định, thích ứng với công việc, yêu cầu, điều kiện, môi trường làm việc trong thời đại công nghiệp 4.0.
Lệ Chi