NTM tại Trà Vinh đang khởi sắc từng ngày (Ảnh Tư liệu) |
Đa dạng hình thức đào tạo
Sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, tỉnh Trà Vinh đã huy động được hơn 11.531 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương gần 730 tỷ đồng (chiếm 6,33%), vốn địa phương 828 tỷ đồng (7,14%).
Các nguồn vốn lồng ghép đạt 3.641 tỷ đồng (chiếm 31,57%), vốn tín dụng 4.693 tỷ đồng (40,69%), vốn doanh nghiệp 270 tỷ đồng (2,34%), vốn dân đóng góp thông qua hiến đất, cây cối, hoa màu... gần 1.300 tỷ đồng (11,27%)...
Một trong những dấu ấn rõ nét trong quá trình xây dựng NTM tại Trà Vinh là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác.
Bằng nhiều hình thức đa dạng, toàn tỉnh đã tư vấn, đào tạo cho hơn 725.278 lượt lao động, trong đó đã có 290.112 người tìm được việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (đạt 132%), góp phần nâng cao trình độ kỹ năng nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến nay đạt 60,68%.
Tính đến năm 2019, tỉnh Trà Vinh có 165 HTX thu hút 27.427 thành viên tham gia, bình quân 166,22 thành viên/HTX. Các HTX đang tạo việc làm cho 1.631 lao động, bình quân 9,88 lao động/HTX.
Dù còn không ít khó khăn, các HTX, tổ hợp tác đang tham gia tích cực trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm. Hiệu quả hoạt động của các HTX thúc đẩy hoàn thành tốt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM.
Bên cạnh đào tạo nghề, việc xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, giúp tỉnh Trà Vinh nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi thành công hơn 18.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác và nuôi thủy sản để tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.
Các HTX đóng góp tích cực trong xây dựng NTM tại Trà Vinh (Ảnh TL) |
Thúc đẩy vai trò của HTX
Phong trào thi đua xây dựng NTM đã và đang đem lại sự khởi sắc cho làng quê ở Trà Vinh. Đời sống kinh tế, tinh thần của người dân liên tục được nâng lên, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Ông Phạm Minh Truyền, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Trà Vinh, cho biết Trà Vinh đến nay có 45/85 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, huyện Tiểu Cần, Cầu Kè và thị xã Duyên Hải đã được công nhận đạt chuẩn huyện NTM.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 33 triệu đồng/năm. Nếu như đầu năm 2011, hộ nghèo chiếm 23,63% (với 58.158 hộ), thì đến cuối năm 2019 theo chuẩn đa chiều, hộ nghèo giảm còn 4,45% (với 12.277 hộ), giảm 1,5%, tương đương 4.137 hộ so với cuối năm 2018. Hộ nghèo dân tộc Khmer cũng chỉ còn 8,27% (giảm 3%, tương đương 2.683 hộ so với cuối năm 2018).
“Trà Vinh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 1 đơn vị cấp huyện đạt NTM kiểu mẫu...”, ông Truyền cho hay.
Để đạt được mục tiêu này, phát triển khối kinh tế hợp tác, HTX là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều HTX điển hình như HTX Rạch Lọp, HTX gấc Việt Thành, HTX cam sành Trà Vinh, HTX ớt Thành Công…
Đơn cử như HTX Rạch Lọp (huyện Tiểu Cần) nhiều năm qua luôn nằm trong nhóm những HTX dẫn đầu phong trào phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh, bởi phương thức sản xuất giàu khoa học – kỹ thuật, từ đó trở thành điểm tựa cho thành viên phát triển sản xuất, nâng cao lợi nhuận.
Hay như HTX quýt đường Thuận Phú (huyện Càng Long) sau hơn 15 năm phát triển hiện có 67 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 45 ha đang trong thời kỳ cho trái đẹp.
Không chỉ trực tiếp hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang đóng góp không nhỏ trong các tiêu chí về môi trường, việc làm, thu nhập, an ninh trật tự...
Nhật Minh