Mô hình nuôi thủy sản trên sông Đuống đang mở hướng làm giàu cho người dân tại Thuận Thành (Ảnh Tư liệu) |
Phát huy thế mạnh địa phương để làm giàu
Nhận thấy tiềm năng nuôi trồng thủy sản khi sông Đuống chảy qua, gia đình anh Nguyễn Đình Việt xã Đình Tổ quyết định đầu tư vốn để phát triển mô hình nuôi cá lồng theo hướng chuyên canh.
Sau khi nghiên cứu, anh Việt tập trung vào các giống cá đang được thị trường ưa chuộng như cá chép giòn, điêu hồng, trắm cỏ, cá lăng…
Nhờ sản xuất an toàn, chú trọng khoa học kỹ thuật, mô hình đang cho giá trị kinh tế cao hơn so với thâm canh trong ao đất 35 – 40%. Hiện, mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh lên tới trên 50 lồng, lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Theo anh Việt lợi thế lớn nhất của nuôi cá lồng trên sông chính là nguồn nước luôn động, ít bị ô nhiễm nên có thể thả các loại cá với mật độ cao để tận dụng mặt nước, đồng thời nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào hơn so với nuôi nội đồng nên cá lớn nhanh và ít bị bệnh.
Cũng đang khai thác tốt tiềm năng từ dòng sông Đuống, HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, xã Mão Điền đang bứt lên nhanh chóng, trở thành điểm tựa làm giàu bền vững cho hàng chục hộ thành viên.
Hiện, sau hơn 2 năm hoạt động, HTX đang có 85 lồng nuôi cá trên sông Đuống theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là cá lăng… Bình quân mỗi năm, HTX xuất ra thị trường từ 400 - 600 tấn cá thương phẩm và từ 2 đến 3 triệu con cá giống cho các trang trại trong và ngoài tỉnh, tổng doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Đang - Giám đốc HTX Trường Mạnh, cho biết không chỉ có “địa lợi”, HTX còn có thế mạnh về nhân lực.
Các hộ thành viên HTX đều có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá giống nên nắm chắc kỹ thuật, chủ động về con giống, chọn lựa giống tốt. Có nền tảng vững, các thành viên có khả năng tiếp thu khoa học – kỹ thuật nhanh và rất năng động với sự biến đổi của thị trường.
Với những phương pháp nuôi trồng sạch, an toàn, tháng 12/2017, HTX được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP, trở thành một trong số những đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh có chứng nhận này.
Các HTX, mô hình nuôi trồng thủy sản sẽ được đầu tư phát triển theo hướng an toàn để đảm bảo tính bền vững (Ảnh TL) |
Giữ hiệu quả bền vững
Giám đốc HTX Trường Mạnh, ông Nguyễn Xuân Đang cho biết: “Kể từ khi thành lập, HTX đã tích cực cử cán bộ đi tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thuốc phòng bệnh, cách giữ vệ sinh lồng cá, xử lý chất thải… để hướng dẫn cho các hộ thành viên, bảo đảm quy trình nuôi cá an toàn”.
Đến nay, 100% các hộ thành viên HTX đang nắm vững kỹ thuật xử lý chất lượng nước, đảm bảo môi trường tại khu vực thả lồng nuôi cá. Các quy tắc về nuôi trồng thủy sản an toàn cũng được HTX trang bị đầy đủ cho từng thành viên, bảo đảm quá trình sản xuất an toàn, hiệu quả.
Theo lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành, trong quá trình nhân rộng mô hình, bên cạnh việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật, huyện cũng chú trọng tập huấn kiến thức về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất để đảm bảo tính bền vững.
Đơn cử, các hộ dân được tập huấn các quy tắc an toàn trong sử dụng máy móc, thiết bị. Các loại máy bơm, máy quạt tạo oxy, xuồng máy… được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, tránh hỏng hóc, rò rỉ điện, gây mất an toàn cho người sử dụng.
Trong quá trình chăm sóc, các hộ được hướng dẫn quy trình sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trừ dịch bệnh đúng cách, tránh gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của cá.
Sự đầu tư đồng bộ về kỹ thuật giúp mô hình nuôi thủy sản trên sông Đuống tại Thuận Thành phát triển mạnh. Đến nay, toàn huyện có khoảng trên 500ha nuôi trồng thủy sản và 243 lồng cá nuôi trên sông cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Nhật Minh