Nhờ tam nông, những loại cây trồng kém hiệu quả được thay thế bằng những loại cây có giá trị cao như chanh không hạt (Ảnh Tư liệu) |
Chuyển biến từ “tam nông”
Phong trào tam nông được đẩy mạnh triển khai ở Bến Lức từ năm 2008, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 17,7%/năm.
Cơ cấu nông nghiệp của huyện có những chuyển biến rõ nét khi diện tích các cây truyền thống, năng suất thấp giảm dần, thay vào đó là những loại cây chất lượng, giá trị cao như chanh không hạt, thanh long, các loại cây có múi…
Lĩnh vực chăn nuôi có tiến bộ đáng kể khi các mô hình nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu dần được thay thế bằng hệ thống gia trại, trang trại quy mô lớn, được trang bị đầy đủ khoa học – công nghệ mới.
Kết cấu hạ tầng nông thôn dần được hoàn thiện. Đến nay, 100% xã, thị trấn có đường đến trung tâm được nhựa hóa, cứng hóa. Hệ thống điện lưới quốc gia phủ khắp các xã, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Để phát huy thế mạnh địa phương, năm 2014, HTX Thạnh Hòa được thành lập, với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh chanh an toàn theo hướng hàng hóa, mang lại lợi ích toàn diện, bền vững cho người dân.
Trong xu thế phát triển chung, HTX Thạnh Hòa đang trở thành nhân tố quan trọng, trực tiếp quản lý, hỗ trợ và dẫn dắt thành viên, hộ dân liên kết phát triển mô hình trồng chanh an toàn, mang lại lợi ích kép về kinh tế, an toàn lao động và môi trường.
Ông Vũ Ngọc Báo - Giám đốc HTX Thạnh Hòa, cho biết: “Bước chuyển từ trồng mía sang trồng chanh không hạt đang thay đổi đời sống của người dân Bến Lức. Không chỉ cho hiệu quả cao về kinh tế, chanh không hạt còn đem lại sự thay đổi toàn diện về tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn”.
Về kinh tế, cây chanh không hạt cho trái quanh năm, định kỳ 20 - 25 ngày cho thu hoạch một lần, với giá ổn định ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg (vào mùa nắng nóng (tháng 3 - 4 âm lịch) giá chanh có thể lên tới 27.000 - 30.000 đồng/kg), người trồng chanh thu về lợi nhuận trung bình 200 - 250 triệu đồng/năm/ha.
Về sản xuất, với tôn chỉ “sản xuất an toàn, phát triển bền vững”, người sản xuất chanh không hạt tại Bến Lức được hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quy trình sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn cao về vệ sinh thực phẩm, môi trường làm việc.
“Với sự tham gia của doanh nghiệp trong liên kết “4 nhà”, thị trường tiêu thụ của người dân được mở rộng, giá trị kinh tế được đảm bảo, đồng thời, mở ra cơ hội để thương hiệu “Chanh Bến Lức” tiến xa hơn”, Giám đốc HTX Vũ Ngọc Báo nhấn mạnh.
Hiệu quả của khối kinh tế hợp tác, HTX thúc đẩy tam nông của huyện chuyển dịch theo hướng hiện đại (Ảnh TL) |
Nâng cao vai trò của HTX
Để tiếp tục phát huy thành công của phong trào tam nông và hoàn thành những mục tiêu kinh tế - xã hội đã để ra, phát triển khối kinh tế hợp tác, HTX là một trong những nội dung được huyện Bến Lức đặc biệt chú trọng.
Hiện, toàn huyện Bến Lức đang có trên 100 tổ hợp tác, HTX. Phần lớn các HTX đều khẳng định dấu ấn nhất định, trở thành bệ đỡ kinh tế hộ, giúp hàng trăm hộ nông dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Trong bối cảnh đó, Bến Lức đặt ra mục tiêu sẽ xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất cao, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Tập trung đầu tư giống, cơ giới hóa, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Bến Lức phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt bình quân 90-100 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt bình quân 4,5-5%/năm.
Toàn huyện đặt mục tiêu có trên 70% số xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới, phát triển đường giao thông nông thôn trục xã, liên xã nhựa hóa 100%, đường trục ấp, liên ấp cứng hóa đạt 80%.
Về đời sống, huyện phấn đấu có số hộ sử dụng điện đạt 99,9%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,5%, 100% trạm y tế có bác sĩ, bảo đảm cơ sở vật chất y tế đạt chuẩn quốc gia, trường tiểu học, THCS kiên cố hóa 100%, trên 50% trường đạt chuẩn quốc gia.
Nhật Minh