Quá trình thực hiện đề án đã thiết lập được 850 cơ sở đào tạo nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, trong đó có 35 trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Trong danh mục nghề đã trình Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có 310 nghề nhưng chỉ mới có 140 giáo trình khung.
Chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố năm 2019, cả nước có hơn 48 triệu lao động, trong đó có tới 37,8 triệu lao động (chiếm hơn 68% tổng số lao động trong cả nước) sống ở khu vực nông thôn. Đến nay sau hơn 10 năm triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) cả nước hiện chỉ đào tạo cho 2,3 triệu lao động nông thôn, chiếm khoảng 17% tổng số lao động nông thôn.
![]() |
Nông dân TP.HCM đang học tập mô hình làm nông công nghệ cao. |
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019 cả nước đặt mục tiêu đào tạo cho khoảng 1,6 triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến năm 2019 mới đào tạo 1,15 - 1,4 triệu lao động, đạt 82% so với mục tiêu. Và để hoàn thành mục tiêu đề ra, từ nay tới hết năm 2020 cần đào tạo 250.000 lao động.
Tiến sĩ Đào Thế Anh – Hội Khoa học phát triển nông thôn cho rằng, hoạt động dạy nghề chưa đạt được số lượng đề ra. Dù đã có những nỗ lực, nhưng công tác dạy nghề còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
“Cả nước hiện có hơn 10 triệu hộ nông dân với khoảng 37 triệu lao động độ tuổi ở nông thôn nhưng chỉ có khoảng 17% được đào tạo qua các lớp tập huấn khuyến nông. Trong tổng số gần 17 triệu thanh niên ở khu vực nông thôn chỉ có 12% là tốt nghiệp THPT và 3,11% lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên. Lao động nông thôn thiếu, yếu trình độ khiến cho việc tái cơ cấu nông nghiệp gặp nhiều khó khăn”, ông Thế Anh phân tích.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, ngoài những thành tựu như: Tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cho tái cơ cấu thì hoạt động dạy nghề cũng có nhiều hạn chế.
Ông ví dụ, dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều nơi hoạt động dạy nghề chưa tính tới sự thay đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Đặc biệt, hiện nay công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được theo tiêu chuẩn quốc tế, lao động nông nghiệp chưa xây dựng được kỹ năng ngành thiết yếu, chưa có tính liên kết giữa các khâu đào tạo, tạo việc làm, chưa đào tạo nghề theo xu hướng xã hội cần... vì vậy chưa nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Dạy nghề để nâng cao thu nhập cho người dân
Bà Lưu Thị Hồng Tưởng, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho rằng, hiện nay dù mạng lưới dạy nghề phát triển, mở rộng trong cả nước, có rất nhiều đơn vị trung tâm, trường nghề, hiệp hội dạy nghề... nhưng thực tế hoạt động dạy nghề chưa có sự liên kết, còn rời rạc, chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
![]() |
Dạy nghề đan làm ghế mây cho nông dân xã Tân Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh hậu Giang. |
“Muốn dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần tạo sự liên kết tăng nguồn lực cho hoạt động dạy nghề. Đặc biệt cần thực hiện dạy nghề theo chuỗi... Ví dụ, một lao động muốn làm nông nghiệp không chỉ cần kiến thức cơ bản, kỹ thuật đơn thuần về trồng rau, nuôi lợn... mà còn phải biết kiến thức về chế biến, bảo quản sản phẩm, maketing, kiến thức thương hiệu...”, bà Tưởng nói.
Để khắc phục những hạn chế này, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nói rằng, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT xác định, mục tiêu phải hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho 3 triệu lao động nông thôn, trong đó 70% có cấp chứng chỉ. Đồng thời, xây dựng lại danh mục nghề nghiệp theo yêu cầu tái cơ cấu ngành, gắn liền xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu, Cục đang tiếp thu ý kiến để hoàn thiện kế hoạch, trong đó tập trung và danh mục nghề và chuẩn đầu ra cho các ngành nghề tập trung.
“Nhu cầu thực tế của ngành, của kinh tế xã hội địa phương đang thay đổi rất nhanh. Ngay kỹ năng quản trị HTX, doanh nghiệp có rất nhiều người quan tâm; việc đào tạo lao động để phát triển sản phẩm OCOP, cơ giới hóa nông nghiệp cũng rất cần lao động lành nghề. Do đó, công tác đào tạo nghề phải thống nhất đổi mới lại tư duy, đổi mới đào tạo, tập trung vào chất lượng đào tạo đa ngành nghề; cùng với đó là tiêu chí đánh giá để chuẩn hóa”, ông Thịnh cho biết
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, đào tạo nghề nông nghiệp cần phải có sự thay đổi tích cực chứ không chỉ mãi loay hoay với việc “trồng cây gì, nuôi con gì”. Đào tạo mà không nâng cao được thu nhập cho người được đào tạo là có lỗi với dân.
“Để đạt được mục tiêu nhiệm vụ đào tạo cho 3 triệu lao động nông thôn tính đến hết năm 2020 và nâng cao thu nhập cho người được đào tạo, các cơ quan chức năng của Bộ phải ban hành được Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và khung chương trình đào tạo nghề phù hợp và đán ứng được xu hướng phát triển hiện đại theo xu hướng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa hay nhu cầu quản trị doanh nghiệp, HTX.
"Người lao động sau khi tham gia học nghề phải được cấp chứng chỉ phù hợp. Đặc biệt, hệ thống các trường nghề do Bộ NNPTNT quản lý phải tham gia một cách có hiệu quả vào công tác đào tạo nghề, định hướng tích cực cho các địa phương”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Hà Nam