Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 11.370 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,2%, tăng 1,2% so với năm 2020.
Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng
Trong năm 2022, tỉnh Lạng Sơn tập trung quy hoạch và tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đầu tư có trọng điểm để có 01 trường công lập chất lượng cao vào 2025 và khoảng 2 trường vào 2030, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm và các khu công nghiệp. Thực hiện sáp nhập một số các Trung tâm dạy nghề cấp huyện hoạt động không hiệu quả thành trung tâm liên huyện (02 huyện) và gắn hoạt động các trung tâm cấp huyện với các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn.
![]() |
Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025 lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt 65%. |
Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn cũng đẩy mạnh hợp tác giáo dục nghề nghiệp với hợp tác xã, doanh nghiệp, coi đây động lực và chìa khóa thành công trong đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Cho phép doanh nghiệp và trường cùng tuyển sinh và cùng đào tạo. Xúc tiến các chương trình đào tạo theo đặt hàng với các hợp tác xã, doanh nghiệp.
Thời gian qua, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn cũng có đóng góp tích cực vào công tác đào tạo nghề. Đơn cử như HTX Nông sản sạch Kim Dung, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn được thành lập từ tháng 1/2018 gồm 9 thành viên với mô hình chăn nuôi và trồng trọt.
Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc HTX Nông sản sạch Kim Dung, cho biết, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường rất cao nên năm 2017, bà đã mạnh dạn đi tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang. Năm 2018, được sự quan tâm của các cấp, ngành, bà đã chủ động tìm kiếm các thành viên có cùng lý tưởng thành lập HTX với 9 thành viên phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp tổng hợp (vườn, ao, chuồng, rừng).
Khi mới thành lập, HTX đã thống nhất việc triển khai thực hiện mô hình nuôi gà siêu trứng với tổng diện tích trang trại 1.000m2, nuôi 5.000 con gà siêu trứng.
Để đảm bảo chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả, hằng năm, HTX Nông sản sạch Kim Dung được các cơ quan chức năng của huyện tạo điều kiện cho các thành viên tham gia 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt. Đồng thời, cũng từ năm 2018, HTX được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ xây dựng nhãn mác cho sản phẩm trứng gà của HTX. Ngoài ra, giữa các thành viên trong HTX luôn có sự trao đổi, sẻ chia kinh nghiệm để các thành viên đều hiểu và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt.
Các bên 'bắt tay' để nâng cao chất lượng đào tạo
Khi đã có kiến thức, các thành viên HTX Nông nghiệp sạch Kim Dung chú trọng đến từng quy trình, kỹ thuật sản xuất. Cụ thể, HTX chú trọng từ khâu chuẩn bị hệ thống chuồng nuôi gà theo tiêu chuẩn với những loại máy móc hiện đại như: Hệ thống quạt mát, ánh sáng, điều chỉnh nhiệt độ tự động… đến khâu chuẩn bị nguồn thức ăn, công tác tiêm phòng, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, HTX tuyệt đối không vì lợi nhuận trước mắt mà ép gà đẻ trứng trước tuổi hoặc khai thác trứng khi gà đã quá già. Gà được nuôi và khai thác đẻ trứng trong vòng một năm, sau đó HTX tiến hành thải gà và nuôi lứa mới để cung cấp trứng đảm bảo chất lượng.
Điều này một lần nữa cho thấy vai trò của công tác đào tạo nghề. Theo đó, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn đề nghị: Các HTX, DN, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như các Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; rà soát, xây dựng danh mục ngành/nghề đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn nghề, chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo, định hướng các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý gắn kết với triển khai các hoạt động của giáo dục nghề nghiệp, tư vấn định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp và việc làm cho người lao động nhằm đạt các chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.
Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 (Kế hoạch số 27/KH-UBND, ngày 01/11/2022).
Mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 đào tạo được 16.360 người (đào tạo sơ cấp nghề Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp trên 740 người, đào tạo nghề nông nghiệp cho 15.620 người, trong đó đến năm 2024 mỗi huyện, thành phố đào tạo được ít nhất 02 lớp sơ cấp nghề Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 65%.
Theo đó, tỉnh Lạng Sơn đặt ra các nhiệm vụ như đổi mới, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Làm tốt công tác khảo sát, cập nhật, bổ sung nhu cầu học nghề của người lao động, chú trọng đào tạo các ngành nghề mới, nhất là các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất công nghệ cao gắn với quy hoạch các sản phẩm chủ lực, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp cho người lao động…
Minh Hằng