Việc phát triển, đào tạo nghề nông thôn theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tái cơ cấu nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, phát triển kinh tế hợp tác… trên cơ sở định hướng của tỉnh, phát huy lợi thế của địa phương và phù hợp xu hướng phát triển quốc tế.
Đào tạo theo chiều sâu
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết thời gian qua, tỉnh đã chú trọng phát triển đào tạo nghề nông thôn đi vào chiều sâu chất lượng, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng phù hợp vị trí việc làm, cải thiện hiệu quả công tác và kiện toàn lực lượng kế thừa. Xây dựng và phát triển nguồn tri thức khoa học, công nghệ cao, công nghệ hiện đại để đưa khoa học và công nghệ thật sự trở thành động lực cho yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp An Giang tương xứng vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho NNCNC nhằm mục đích phục vụ đối tượng nông dân, trang trại và HTX |
Việc đào tạo nghề nông thôn cho nền NNCNC nhằm mục đích phục vụ đối tượng nông dân, trang trại và HTX. Vì thế, tỉnh An Giang đã chia thành các cấp độ đào tạo nghề nông thôn cho đội ngũ cán bộ, lao động như: Đào tạo kỹ năng cho nông dân và con em của nông dân bằng cách tổ chức đi tham quan các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Israel…, còn trong nước thì tham quan học tập các tập đoàn lớn về sản xuất nông nghiệp như Vingroup để tai nghe mắt thấy cách làm hiệu quả.
Được biết, để đưa nguồn nhân lực đi đào tạo ở nước ngoài đối với con em nông dân trước hết đòi hỏi tuổi đời phải còn trẻ, có sức khỏe và biết tiếng ngoại ngữ của nước đó. Còn tiêu chí đào tạo về phục vụ quản lý cho HTX hay trang trại phải có trình độ đại học chuyên ngành nông nghiệp, có trình độ ngoại ngữ ban đầu, sẽ được bộ phận tuyển dụng phỏng vấn tuyển chọn. Thực hiện các chương trình đào tạo này, Sở NN-PTNT An Giang đã ký hợp tác với trường Đại học Cần Thơ và Đại học An Giang…
Một số trường hợp con em nông dân đi lao động ở nước ngoài chủ yếu làm việc ở các trang trại lớn giúp các em có kỹ năng về sản xuất NNCNC để làm tiền đề về nước khởi nghiệp. Hay, tuyển chọn các em đã tốt nghiệp đại học, đưa đi học các lớp tu nghiệp sinh ở trong nước và nước ngoài trong thời gian 1 năm. Khi đào tạo xong, họ được đưa về phục vụ quản lý cho các HTX và các trang trại ứng dụng NNCNC. Đây đều là những cách làm hay và hiệu quả mà tỉnh An Giang đã áp dụng để việc đào tạo nhân lực có chiều sâu.
Những kết quả ấn tượng
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 424 lớp đào tạo nghề cho 12.000 học viên (đạt 100% kế hoạch năm), với kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trên 9,9 tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực phi nông nghiệp tổ chức 238 lớp, đào tạo nghề cho 6.617 học viên, lĩnh vực nông nghiệp tổ chức 186 lớp đào tạo nghề cho 5.383 học viên. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ 7 mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn 7 địa phương như: An Phú, Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên, với kinh phí hỗ trợ 84 triệu đồng.
Từ các nguồn hỗ trợ, tại một số địa phương đã nổi lên một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm hiệu quả, có khả năng nhân rộng. Đó là mô hình chăn nuôi heo ở huyện An Phú; mô hình nuôi lươn không bùn tại TP. Châu Đốc. Các mô hình phi nông nghiệp như: xây dựng dân dụng, may công nghiệp ở 4 địa phương đã chủ động ký hợp đồng 3 bên. Trong đó trách nhiệm của doanh nghiệp là tuyển dụng lao động sau khi học xong với mức lương khởi điểm từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, đồng thời bao tiêu sản phẩm do người lao động làm ra, hỗ trợ máy móc, thiết bị, cán bộ kỹ thuật và nguyên liệu thực hành.
An Giang tập trung phát triển nguồn nhân lưc phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. |
Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã đào tạo sau đại học (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) cho 22 cán bộ, công chức, viên chức; 30 cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn trong nước, đồng thời bồi dưỡng chuyên sâu đào tạo nghề nông thôn về các lĩnh vực chuyên trách phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển ứng dụng NNCNC.
22 lượt cán bộ tuyến huyện, 156 cán bộ quản lý cấp xã và 156 lượt khuyến nông viên, nhân viên kỹ thuật cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong nước. 100 lượt khuyến nông viên được bồi dưỡng, huấn luyện trong nước để nâng cao năng lực và tăng cường các kỹ năng phục vụ công tác khuyến nông. 21.840 lượt nông dân được tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và phát triển kỹ năng sản xuất hội nhập thị trường.
Bên cạnh đó, có khoảng 60 khuyến nông viên và 60 người là quản lý, điều hành hoặc thành viên chủ chốt nông dân sản xuất giỏi, nông dân khởi nghiệp, lao động trẻ được tham gia thực tập trong nước tại các khu NNCNC, các khu sản xuất, ứng dụng của doanh nghiệp.
80 cán bộ, công chức, viên chức và 120 người quản lý hoặc thành viên chủ chốt tại các HTX, tổ chức nông dân, lao động trẻ được đào tạo, tập huấn thông qua các chương trình tu nghiệp sinh, thực tập nông nghiệp, thực tập kỹ năng ở các quốc gia như Israel, Nhật Bản, Úc…
Đây là những con số hết sức ấn tượng trong công tác đào tạo nghề nông thôn ứng dụng NNCNC mà tỉnh An Giang thực hiện. Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn phục vụ NNCNC, thời gian tới, tỉnh tập trung gắn đào tạo với thực hành, đào tạo theo nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đặc biệt là các HTX nhằm đón đầu xu hướng nông nghiệp thế giới.
Thu Huyền