Các HTX trên địa bàn tỉnh thành lập và đi vào hoạt động gắn liền với việc phát triển ngành nghề sản xuất tại địa phương, nhằm phục vụ đời sống người dân. Chính vì vậy, HTX chính là nơi tạo việc làm phù hợp với đối tượng lao động nông thôn (LĐNT). Đặc biệt, các HTX đang mở rộng hoạt động theo hướng chú trọng đến kinh doanh dịch vụ, cần lao động gắn bó lâu dài. Từ đây sẽ tạo nhiều việc làm cho LĐNT.
Tạo việc làm
Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, các HTX ở Phú Yên đã có bước phát triển theo chiều hướng tích cực, theo hướng đa ngành, nghề tạo việc làm cho nhiều LĐNT.
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, Phú Yên hiện có 190 HTX còn hoạt động với gần 141.000 thành viên. Hiện khu vực kinh tế hợp tác (KTHT) của tỉnh tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 200 nghìn LĐNT.
Ông Lê Thanh Lam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, cho biết: Các HTX không chỉ hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy mà còn kết hợp kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Hàng năm, các mô hình KTHT này vừa duy trì dịch vụ truyền thống vừa mở thêm dịch vụ kinh doanh mới, nên tạo thêm việc làm ngày càng nhiều cho người lao động.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa). Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đến đầu năm 2018, HTX khai trương cửa hàng xăng dầu, chính thức đưa dịch vụ bán lẻ xăng dầu đi vào hoạt động. Từ đây, HTX tạo việc làm cho 5 - 7 lao động, góp phần tăng số lao động làm việc tại HTX lên hơn 100 người.
Thực tế, một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho người lao động với mức lương bình quân 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Tuy không phải là mức lương cao nhưng cũng đủ để người dân ổn định cuộc sống.
Ông Mai Bá Xuân - thành viên HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An) cho biết ông chuyên lái máy cày cho HTX. Trước đây, thu nhập của ông 2 - 6 triệu đồng/vụ, 2 năm gần đây đã tăng 5 - 8 triệu đồng/ vụ. Làm cho HTX, ông còn có thời gian làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập.
Không chỉ các HTX nông nghiệp, các HTX vận tải, TTCN, xây dựng, thương mại… trên địa bàn tỉnh cũng tích cực mở rộng hoạt động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều lao động có thêm việc làm.
Theo ông Nguyễn Diễn - Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải khách du lịch Yên Phú (Tp.Tuy Hòa), sau 2 năm hoạt động, đơn vị đã tăng từ 80 đầu xe lên 100 đầu xe. Cùng với đó, số lao động bình quân có việc làm tại HTX cũng tăng từ 160 lên 200 lao động.
Cửa hàng xăng dầu của HTX Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa) tạo việc làm cho 5 - 7 thành viên |
Nhân tố chính trong ĐTN
Phú Yên là tỉnh thuần nông. Thực tế, việc đào tạo nghề tại khu vực HTX chiếm phần lớn trong cơ cấu đào tạo nghề tại tỉnh.
“Bởi, trên địa bàn tỉnh, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn, chỉ có nhà máy đường đầu tư theo kiểu khuyến nông chứ không đào tạo nghề nên vai trò đào tạo nghề của các HTX là rất quan trọng”, ông Nguyễn Lý Nguyên - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, cho biết.
Các HTX đang hoạt động theo cơ chế thị trường, vận động giống như một DN. Nếu HTX không có đội ngũ lao động có tay nghề được công nhận thì không tạo được niềm tin để bất kỳ một đơn vị sản xuất, DN nào tìm đến hợp tác. Điều này dẫn đến làm ăn kém hiệu quả và hệ quả cuối cùng là giải thể. Để hệ thống HTX vững mạnh, Phú Yên đã củng cố lại cơ cấu HTX, mà khâu đầu tiên và quan trọng nhất là con người, cụ thể hơn là người lao động đang làm việc trong các HTX.
Để làm được điều đó, tỉnh đã và đang ưu tiên nguồn vốn để đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ HTX, cũng như đào tạo nghề cho người lao động nhằm phát triển hiệu quả các HTX sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012.
Nhờ sự phối hợp giữa Liên minh HTX và Sở LĐ-TB&XH tỉnh, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT phát huy hiệu quả, các chính sách có liên quan đến người lao động, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ hay các lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học… được phổ biến rộng rãi cho người lao động.
Trong số hơn 900 lao động trong khu vực HTX thì 80% được qua huấn luyện đào tạo. Trong 200 nghìn lao động trực tiếp (chiếm tới 99,4%) thì đã có 68% qua tập huấn đào tạo.
Như Yến