Thời gian qua, nhiều mô hình trình diễn cây, con giống mới, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn đã được Hội Nông dân TP Vĩnh Yên phối hợp hỗ trợ nông dân xây dựng như: Mô hình nuôi cá trê, ếch hỗn hợp; nuôi cá rô phi; mô hình trình diễn khoai lang giống mới GB01; mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn; ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất rau an toàn…
Nhiều mô hình nuôi trồng hiệu quả
Ở một số xã, phường đã hình thành vùng trồng trọt, sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Nhiều lao động nông thôn ở Vĩnh Phúc tham gia các lớp tập huấn trồng rau hữu cơ. |
Chị Hoàng Thị Tám, Phó Giám đốc HTX Sản xuất và thương mại Định Trung (xã Định Trung, TP Vĩnh Yên) cho biết: “Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp, tháng 5/2017, HTX Sản xuất & Thương mại Định Trung được thành lập. Hiện, HTX có 35 thành viên, sản xuất trên diện tích 5ha.
Để hỗ trợ HTX, Hội Nông dân TP Vĩnh Yên đã mời các giảng viên từ Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam về tập huấn quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ hội viên HTX về vốn, cây giống…
Nhờ các hoạt động hỗ trợ, thương hiệu rau hữu cơ Vĩnh Phúc dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. HTX Định Trung đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhiều cửa hàng, công ty trong và ngoài tỉnh.
Tương tự, với mục tiêu cung ứng cho thị trường những sản phẩm nông sản chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tháng 4/2017, HTX Rau an toàn Visa, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc được thành lập. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, sản phẩm rau, củ, quả của HTX Rau an toàn Visa đã có thị trường ổn định và ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Với quyết tâm mang đến cho khách hàng những sản phẩm nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, HTX bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh; mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho cả thành viên và người lao động; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh, kho mát, khu sơ chế và xe ô tô chuyên dụng để vận chuyển nông sản.
Trong quá trình sản xuất, HTX Rau an toàn Visa đặc biệt quan tâm đến chất lượng nông sản. Các thành viên HTX thực hiện đầy đủ 10 bước quy định theo tiêu chuẩn VietGAP ngay từ khâu chọn đất trồng, chọn nguồn nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Cùng với việc thay đổi quan điểm sản xuất của thành viên theo hướng “Đã làm thì phải bắt buộc an toàn và hãy làm tốt trước khi nghĩ đến giá cao, bao tiêu, hỗ trợ và quyền lợi”, HTX có 2 cán bộ chuyên hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho các thành viên và 2 cán bộ chuyên kiểm soát chất lượng đầu ra và trực tiếp testkit đột xuất tại từng thửa ruộng của thành viên.
Mỗi sản phẩm của HTX sau khi thu hoạch đều được kiểm soát kỹ càng về chất lượng, nếu chưa đạt các chỉ tiêu thì tuyệt đối không đưa ra thị trường.
Đào tạo nghề "mọi lúc mọi nơi"
Vì vậy, đến nay, HTX Rau an toàn Visa không còn lo về đầu ra của sản phẩm. Doanh thu bình quân của HTX đạt từ 3 - 5 tỷ đồng/tháng.
Rau hữu cơ đem về thu nhập ổn định cho nông dân. |
Theo số liệu của Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, đến nay, tỉnh có 126 cơ sở sản xuất rau, củ, quả được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm với tổng diện tích canh tác gần 1.000 ha; 69 cơ sở sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 700 ha.
Nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương như: Dưa chuột An Hòa, su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ Lập Thạch, bí đỏ Vĩnh Tường, chuối Tiêu hồng, cà chua Yên Lạc... đã xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng nông sản sạch, thậm chí còn xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Trung Quốc.
Thành công đó có được đều nhờ các chương trình đào tạo nghề với nhiều hình thức được tổ chức ở địa phương trong thời gian vừa qua.
Thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định 2573 ngày 21/10/2019 về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn cho cả giai đoạn 2020 - 2022, trong đó quy định rõ nội dung hỗ trợ.
Hàng năm, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ hàng chục lớp đào tạo tập huấn, xây dựng các mô hình đạt chuẩn hữu cơ trên cây rau, trà hoa vàng, ba kích, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên lợn và gà. Ngoài ra, hỗ trợ phân vi sinh cho nông dân đang trồng 1.164 ha rau ăn lá.
Thy Lê