Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp Nông dân - Phụ nữ thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua là đầu mối trong việc hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và cung ứng các loại cây, con giống đảm bảo chất lượng cho nông dân trong quá trình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Dạy nghề ngay trên vùng nguyên liệu
Với sự vào cuộc của trung tâm này, nghề nông của người nông dân trở nên chuyên nghiệp hơn. Kéo theo đó, nhiều mô hình sản xuất an toàn đã ra đời như: trồng măng tây xanh hữu cơ ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), Đức Chánh, Đức Thắng (Mộ Đức) và thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ); trồng rau sạch của Tổ hợp tác nông dân ở xã Bình Thới (Bình Sơn); trồng nấm ăn và nấm dược liệu ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức)…
![]() |
Nhiều mô hình nông nghiệp ở Quảng Ngãi hoạt động hiệu quả khi đào tạo nghề nông nghiệp được chú trọng |
Các mô hình này, từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và phân phối ra thị trường đều tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, nên sản phẩm nông nghiệp an toàn được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.
Hoặc như mô hình nuôi lợn bằng thức ăn thảo dược ở HTX Tân Hòa Phú, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành được hỗ trợ về đào tạo, hỗ trợ giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng.
Mô hình này có lợi thế là các hộ nuôi tận dụng được các loại thức ăn từ nguyên liệu có sẵn tại nhà như: Cám gạo, bột bắp, bột mì phối trộn với thức ăn sinh học được chế biến từ thảo dược (sản phẩm đã được cấp bản quyền sở hữu trí tuệ).
Trong suốt quá trình thực hiện mô hình, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã thuê chuyên gia hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình tại các các hộ tham gia mô hình.
Nhìn vào nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hội nhập, trong năm nay, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 1.200 lao động nông thôn.
Để công tác đào tạo nghề mang lại hiệu quả, Sở NN&PTNT tập trung đào tạo lao động nông thôn tại các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản của các doanh nghiệp, các dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lao động thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành viên quản lý hợp tác xã nông nghiệp, trang trại...
Đồng thời, cơ quan này còn xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo từng nghề, dự báo nhu cầu sử dụng LĐNT qua đào tạo, xác định năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề.
Đổi mới đào tạo theo nhu cầu địa phương
Ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Quảng Ngãi), cho biết trước đây các cơ sở dạy nghề chủ yếu đào tạo những gì mình có, chứ chưa đào tạo theo nhu cầu địa phương. Vì vậy, việc đào tạo nghề theo hướng đào tạo cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ chiếm tỷ lệ thấp.
Bên cạnh đó, số lượng mô hình điển hình về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn ít. Việc kết hợp đào tạo nghề nông nghiệp với xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, khuyến nông chưa nhiều.
![]() |
Việc đào tạo nghề nông nghiệp trong tỉnh Quảng Ngãi nhất thiết là phải theo nhu cầu của địa phương |
Do đó, việc đào tạo nghề nông nghiệp trong tỉnh nhất thiết là phải theo nhu cầu của địa phương. Mặt khác, rất cần đào tạo nghề và thu hút nguồn lao động cho các HTX trong tỉnh.
Năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đưa tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả trên địa bàn đạt hơn 60%, có ít nhất 70% số cán bộ quản lý HTX được đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích, thu hút các hộ dân ở vùng nông thôn tham gia HTX, tổ hợp tác.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh đã tập trung đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của kinh tế tập thể, HTX.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh công tác giảm nghèo và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thanh Loan