Sau gần 10 năm thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện Tây Sơn đã tổ chức dạy nghề cho hơn 4.600 lao động. Cơ cấu nghề đã có sự chuyển biến tích cực, theo đó có 40% nông dân học các nghề nông nghiệp, 60% học các nghề phi nông nghiệp.
“Nghề dạy nghề” là chưa đủ
Trong 10 năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện - đơn vị chủ công thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn ở Tây Sơn - đã khảo sát nhu cầu, tổ chức đăng ký theo nguyện vọng và đào tạo được hơn 4.600 lao động. 90% lao động học nghề nông nghiệp có việc làm sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ này ở nghề phi nông nghiệp là 80%.
Huyện Tây Sơn giúp lao động nông thôn thay đổi nhận thức về học nghề |
Các nghề được nhiều người chọn là: May công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi - thú y, điện dân dụng, cơ khí hàn tiện, sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn. Với các kiến thức, kỹ năng được truyền đạt, cập nhật, các học viên đã áp dụng thành công vào sản xuất; góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Bà Trần Thị Bích Lệ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, chia sẻ: Cái được lớn nhất là người dân đã thay đổi nhận thức, hành vi trong sản xuất, chăn nuôi. Họ mạnh dạn áp dụng kiến thức vào thực tế.
Theo bà Lệ, nhiều người đã thay đổi nhận thức, xem trọng việc học hơn, giảm dần cách nghĩ rằng chỉ cần “nghề dạy nghề” là đủ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực khiến các lớp học tổ chức sau này dần thuận lợi hơn.
Đơn cử, ở huyện Tây Sơn có làng rau Thuận Nghĩa với 365 hộ trồng rau, trong đó có 151 hộ đã chú trọng “học nghề” để trồng rau theo dự án Rau an toàn VietGap.
Với nghề trồng rau bài bản và áp dụng cách trồng mới này giúp sản phẩm rau của họ có năng suất cao hơn, người nông dân đảm bảo sức khỏe, ổn định đầu ra và đặc biệt là mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm rau an toàn.
Còn theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa ở làng rau Thuận Nghĩa, cho biết: Mỗi tuần 2 lần, HTX thu mua và bán cho các siêu thị từ 800kg đến 1 tấn rau, chủ yếu là các loại như dưa leo, khổ qua và các loại rau gia vị.
Cùng với việc đào tạo nghề bài bản cho lao động nông thôn ở huyện Tây Sơn, trong năm nay, tỉnh Bình Định đã chi 1,4 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Áp dụng kiến thức đã học vào thực tế
UBND tỉnh Bình Định phân bổ số tiền này cho các địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể, 3 huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, An Lão: 200 triệu đồng/đơn vị; các huyện, thị, thành còn lại: 100 triệu đồng/đơn vị.
Hồi năm ngoái, tỉnh Bình Định đã đào tạo được 3.832 lao động nông thôn, đạt 109% kế hoạch năm. Trong đó, nhóm nghề nông nghiệp là 1.776 học viên; nhóm nghề phi nông nghiệp là 2.056 học viên.
Năm 2020 tỉnh Bình Định chi 1,4 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn |
Nhờ áp dụng kiến thức học nghề chăn nuôi và chăm sóc, điều trị bệnh cho đàn vật nuôi, mô hình vườn, ao, chuồng của ông Nguyễn Thái Học ở xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) đã cho thu nhập cao.
Sau khi tham dự lớp dạy nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, ông Nguyễn Thái Học áp dụng kiến thức đã học mở trang trại hơn 2 ha chăn nuôi heo, bò, dê, gà thả vườn, vịt xiêm, cá, cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập mỗi năm trên nửa tỉ đồng.
“Dù bản thân là cán bộ thú y xã nhưng tôi vẫn tham gia các lớp học nghề để bổ sung kiến thức trong chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi cũng như ứng dụng tiến bộ KHKT mới trong chăn nuôi”, ông Học chia sẻ.
Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định) đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề nông nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, với tổng số 968 học viên là lao động trong các DN nông nghiệp, thành viên HTX, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, ngư dân….
Các học viên được đào tạo học nghề về nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; trồng và nhân giống nấm; trồng cây gia vị; trồng rau an toàn; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng dâu nuôi tằm. Tỉ lệ học viên có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80% tổng số học viên theo học các lớp.
Với việc chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định trong hiện tại và tương lai.
Thanh Loan