Theo thống kê, huyện Nông Cống có tổng dân số trên 185.000 người, trong đó có 113.225 người trong độ tuổi lao động. Với số lượng người trong độ tuổi lao động cao, việc kết nối HTX, doanh nghiệp trong đào tạo nghề, tạo việc làm mới là mục tiêu quan trọng của huyện.
HTX tạo hàng nghìn việc làm
Những năm trước, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Nông Cống vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, còn chạy theo số lượng, chưa phù hợp với nhu cầu của người học nghề và đơn vị sử dụng lao động.
Các HTX đang tích cực tham gia vào hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người dân (Ảnh TL). |
Mọi chuyện chỉ dần chuyển biến khi các HTX tích cực tham gia vào hoạt động dạy nghề tại địa phương. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến HTX sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xã Tân Thọ.
Hiện, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động, chủ yếu là lao động nữ, người già và người khuyết tật, bình quân thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX cho biết, tất cả những lao động được HTX đào tạo nghề kỹ càng từ 2-3 tháng và hoàn toàn không phải đóng góp bất cứ khoản phí nào. Đồng thời, HTX cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm cho thành viên, hộ liên kết.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn, HTX đã chủ động hạn chế việc tập trung lao động sản xuất tại cơ sở chính, thay vào đó là khuyến khích thành viên sản xuất tại nhà. Hoạt động sản xuất diễn ra ổn định giúp HTX duy trì doanh thu, đảm bảo đời sống, thu nhập cho thành viên.
Tương tự, HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc, xã Tân Phúc cũng đang là điểm sáng trong dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông ở huyện Nông Cống. HTX đang là điểm tựa cho hàng trăm lao động không chỉ trong xã mà còn ở các huyện lân cận như Quảng Xương, Tĩnh Gia, Như Thanh…
Giám đốc Nguyễn Thị Hường cho biết, sản phẩm của HTX hiện tại chủ yếu là hàng đan cói và đan bàn ghế. Từ một đơn vị phụ thuộc vào các đơn hàng gia công cho doanh nghiệp, đến nay HTX hoàn toàn chủ động trong việc ký kết các hợp đồng, cung ứng nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho người lao động.
HTX "bắt tay" cùng doanh nghiệp
Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống, thời gian qua, các đơn vị dạy nghề của huyện, trong đó có các HTX, đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, giảm thời gian học lý thuyết và tăng thời lượng thực hành.
Huyện sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của HTX, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề (Ảnh TL). |
Các đơn vị đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học để học viên tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Đồng thời đổi mới, bổ sung nội dung, chương trình, tài liệu phù hợp với các ngành, nghề đào tạo theo hướng tăng cường năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Hiệu quả của công tác dạy nghề theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là sự kết nối đào tạo nghề giữa địa phương, HTX và doanh nghiệp đang góp phần giúp huyện nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, có việc làm, thu nhập ổn định năm sau luôn cao hơn năm trước.
Cụ thể, nếu năm 2020, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 3.400 lao động, thì 6 tháng đầu năm 2021 đã giải quyết việc làm mới cho 2.800 lao động, tổ chức được 3 lớp dạy nghề cho 300 lao động nông thôn.
Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là tăng cường mở rộng kết nối với các HTX, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, bảo đảm 80% số lao động trở lên có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, huyện sẽ tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn về công tác đào tạo nghề.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các phòng chức năng của UBND huyện, đặc biệt là Phòng LĐ-TB&XH, Phòng NN&PTNT, Phòng GD&ĐT mở các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của địa phương.
Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật; phân công, giao chỉ tiêu cụ thể từng cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách địa bàn tuyển sinh.
Mỹ Chí