Theo báo cáo của Sở LĐ –TB & XH tỉnh Trà Vinh, hiện nay toàn tỉnh có hơn 616 000 người trong độ tuổi lao động, trong đó vùng nông thôn chiếm đa số, với 481 000 người. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, thực hiện Quyết định số 1956/2009/QĐ – TTg ngày 27/11/2009 (QĐ 1956) của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, ngày 16/7/2010, tỉnh đã tập trung phát triển đồng bộ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Phù hợp với đặc thù địa phương
Một thực tế tại Trà Vinh đó là nguồn lao động nông thôn dồi dào nhưng tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo và có việc làm ổn định ở các đơn vị, HTX, doanh nghiệp còn ít. Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên, tỉnh đã thực hiện sáng tạo các hình thức dạy nghề phù hợp với đặc thù của địa phương như: Đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và đào tạo nghề cho lao động trong các làng nghề, HTX…
Công tác đào tạo nghề tại làng nghề, HTX đã thu hút được nhiều lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, những nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các HTX, Tổ hợp tác tham gia giảng dạy, hỗ trợ người học…
Lao động sau khi đào tạo đã thành lập HTX |
Đến nay, đã có 8 lao động sau khi đào tạo nghề thành lập HTX, Tổ hợp tác, tập trung các nhóm ngành nghề như: Trồng lúa năng suất cao; trồng bắp; nuôi và phòng trị bệnh gia súc (heo, bò, dê), chăm sóc cây, kỹ thuật cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh…); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá lóc, cá phi, cá điêu hồng,…). Cùng với đó, trong giai đoạn 2010-2018, đã có hơn 2 nghìn lao động được đào tạo nghề, sau đó về làm việc tại các làng nghề, HTX, THT hoặc tự phát triển sản xuất tại gia đình.
Đối với công tác đào tạo nghề phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, tỉnh có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cơ sở vật chất, kinh phí để chuyển hướng sang đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, bảo đảm lao động sau khi học nghề đáp ứng được yêu cầu công việc được tuyển dụng.
Đối với những doanh nghiệp có yêu cầu tự đào tạo nghề cho lao động ở địa phương, sẽ được các ngành chức năng tỉnh hỗ trợ về cơ sở, thủ tục hoạt động hoạt động dạy nghề và quản lý giáo vụ.
Nhờ đó, sau thời gian được đào tạo nghề, kỹ năng sản xuất của lao động dần được nâng lên, năng suất chất lượng sản phẩm tăng rõ rệt,... Cùng với đó, các lớp đào tạo nghề đã tạo động lực, thu hút những lao động nông thôn tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề ngày một nhiều hơn.
Đồng thời, các cơ sở dạy nghề đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công Trà Vinh tư vấn, hướng dẫn người nông dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo đảm “đầu ra”, hoạch định tiêu chuẩn tiếp nhận lao động tại các doanh nghiệp.
Đan đát là một trong những nghề thu hút rất nhiều lực lượng lao động nữ nông thôn theo học và làm việc tại Trà Vinh. |
Thay đổi nhận thức
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh, từ năm 2010-2018, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt gần 60%, cụ thể: thực hiện đào tạo (được cấp chứng chỉ) nghề nông nghiệp được 12.509 lao động nông thôn, có 4.385 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là nữ, chiếm 35,05%; có 3.857 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là người dân tộc, chiếm 30,83% và thực hiện đào tạo (không cấp chứng chỉ) nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm ổn định sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề cho 2.804 lượt lao động, có 2.715 lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Nhờ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở địa phương được khôi phục hồi sinh, duy trì và phát triển. Nhiều ngành nghề mới được du nhập và nhân rộng, thu hút giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động (trong đó có rất nhiều lao động nữ, lao động là đồng bào dân tộc Khmer).
Cùng với đó, hiệu quả của công tác đào tạo nghề đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân nói chung và người lao động nói riêng khi từng bước nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc học nghề, từ chỗ học theo phong trào sang học nghề để mưu sinh, phát triển sản xuất, để tìm việc làm…
Có thể nói, những năm gần đây công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Trà Vinh đã thực sự từng bước được cải thiện và đi vào chiều sâu, giúp cho khoảng 70% người lao động sau học nghề có việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Huyền Trang