HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán tại ấp 2 xã Phú Ngọc, huyện Định Quán (Đồng Nai) nhiều năm qua được xem là mô hình kinh tế tiên phong trong việc đưa nghề về địa phương và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển nghề mây tre đan trên địa bàn huyện.
Ổn định cuộc sống nhờ có nghề
Với hoạt động chủ lực là sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủ công thân thiện môi trường từ lục bình, mây, tre, cói… HTX Định Quán đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại xã Phú Ngọc và các xã lân cận
Đáng chú ý, những năm qua, HTX đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề mây tre đan cho hơn 1.000 lao động nông nhàn, lao động người dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa như La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định, Phú Hòa, Gia Canh.
Chị Nguyễn Thị Thắm, người sáng lập HTX, cho biết đã từng trải qua quãng thời gian tìm đến các cơ sở mây tre đan ở Biên Hòa, Bình Dương, Tp.HCM để xin học nghề rồi trở lại Phú Ngọc nhận hàng về làm rồi chia lại sản phẩm và hướng dẫn cho những người quen trong xã cùng đan lát.
Nắm bắt nhu cầu đan mây tre ngày một nhiều, chị Thắm bắt đầu chuyển dần từ người đan thuê thành người tạo hàng mẫu và đào tạo nghề. Chị đi liên hệ với những doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ ở trong và ngoài tỉnh để nhận hàng về cho người dân trong huyện.
Có thể nói mô hình kinh tế tập thể này là niềm tự hào của xã Phú Ngọc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, xoá đói giảm nghèo. Trước đây, xã Phú Ngọc còn 105 hộ nghèo trên tổng số 4.674 hộ dân trên toàn địa bàn.
Các HTX đang là cầu nối liên kết, dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. |
Tương tự, ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) những năm qua cũng phát triển mạnh nghề tiểu thủ công nghiệp, đem lại việc làm ổn định, thu nhập cao cho hàng trăm lao động. Làng nghề mây tre đan Bao La đang có bước “lột xác” ngoạn mục, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiện dụng, thẩm mỹ… phục vụ thị trường không chỉ trong nước mà đã vươn ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong hành trình phát triển làng nghề là sự thành lập của HTX mây tre đan Bao La, với vai trò dẫn dắt, liên kết người dân trong sản xuất, dạy nghề và là nghề, đồng thời kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Sự đồng hành của địa phương cùng sự nỗ lực của các thành viên giúp HTX có những bước tiến vững vàng. Sản xuất ổn định, HTX hiện đang tạo việc làm cho hơn 100 lao động trong và ngoài địa phương, với thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Người lao động của HTX được đóng đầy đủ các loại BHXH, BHYT, cũng như thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội.
Tăng cường các chính sách hỗ trợ
Bên cạnh HTX mây tre đan Bao La, trên địa bàn huyện Quảng Điền đang hình thành nhiều mô hình điểm, cho giá trị kinh tế cao trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Điển hình như xí nghiệp gỗ Hoài Ân, cơ sở cơ khí Lợi Sịa, cơ sở mộc mỹ nghệ Hạ Lang, cơ sở thêu ren thị trấn Sịa, cơ sở sản xuất bún Mai Tịnh...
Hiệu quả của các HTX, mô hình tiểu thủ công nghiệp giúp huyện Quảng Điền nâng cao thu nhập cho người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm còn 4,86%...
Rõ ràng, việc khôi phục và phát triển các HTX, làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đang phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, góp phần làm đa dạng loại hình lao động ở nông thôn.
Thực tế, việc phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp cũng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đặc biệt. Đơn cử, trong Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở sản xuất nông thôn.
Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ liên kết, tăng vốn ưu đãi, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở sản xuất tại nông thôn. Hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn gắn với yêu cầu của thị trường bằng hình thức trực tiếp hoặc ứng dụng công nghệ thông tin.
Các ngành nghề ưu tiên hỗ trợ đào tạo sẽ hướng tới giải quyết nhiều việc làm, sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu, khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Lệ Chi