Các mô hình sản xuất mà tiêu biểu là các mô hình sản xuất của HTX đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với người dân Bình Định. Hiện, người dân đã chủ động ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới, từ đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp cải thiện thu nhập và môi trường.
HTX đi đầu
HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) hoạt động 10 khâu dịch vụ, gồm: Làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật, khuyến nông, sản xuất cây trồng, mua bán vật tư phân bón, tín dụng nội bộ, xây dựng cơ bản nhỏ và vừa, dịch vụ quản lý nghĩa trang nhân dân, kinh doanh chợ; đơn vị còn liên kết với các doanh nghiệp thành lập chuỗi bao tiêu sản phẩm cho thành viên, nông dân ở địa phương.
HTX Nhơn Thọ phát triển vùng rau VietGAP |
Không dừng lại ở đó, HTX còn sản xuất rau, quả an toàn với các sản phẩm chủ lực là dưa hấu, dưa lưới được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm rau an toàn, dưa VietGAP, góp phần tăng doanh thu của HTX, tăng thu nhập cho thành viên.
Đặc biệt, các hộ thành viên và hộ liên kết đều được HTX hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng, đủ để ngăn ngừa hoặc hạn chế tác hại của thuốc có thể gây nên đối với chính bản thân người sản xuất, người tiêu dùng, cây trồng và môi trường sống. HTX cũng gieo trồng các giống cây kháng sâu bệnh, bảo đảm yêu cầu phân bón và nước thích hợp, tận dụng các biện pháp thủ công (bắt tay, bẫy bả để vừa bảo vệ thiên địch khi dùng thuốc, vừa bảo vệ con người và sản phẩm nông nghiệp.
Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ, cho biết, HTX đang triển khai xây dựng nhà sơ chế, sấy dẻo, đóng gói sản phẩm dưa lưới, dưa lê, hướng đến chế biến sản phẩm dưa sấy đặc trưng mang thương hiệu của HTX, góp phần đưa quy trình sản xuất theo mô hình khéo kín, tận dụng được tối đa nguồn rau củ quả an toàn cung cấp cho thị trường, tránh phát sinh nguồn rác thải hữu cơ không cần thiết lại nâng cao giá trị sản phẩm.
Tổng chi phí xây dựng nhà sơ chế, đầu tư hệ thống sấy dưa gần 600 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 350 triệu đồng. Dự kiến công trình sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm 2020.
HTX Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước) là một trong những HTX kiểu mới đi đầu trong hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, HTX đang thực hiện 6 loại hình dịch vụ: Khuyến nông - giống, vật tư nông nghiệp, thủy lợi, điện, tín dụng nội bộ và kinh doanh xăng dầu. Ở mỗi khâu HTX đều có phương án hoạt động riêng và gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với từng cán bộ, thành viên phụ trách, nên đã phát huy tính tự chủ, sáng tạo, bền vững.
Đặc biệt, HTX thành lập tổ bảo vệ thực vật có 4 cụm và hợp đồng một kỹ sư thường xuyên theo dõi điều tra, phát hiện sâu bệnh trên đồng ruộng để thông báo cho thành viên phòng trừ kịp thời, hạn chế mất mùa do bị sâu bệnh; thường xuyên phát động các đợt diệt chuột thủ công trên đồng ruộng...
Việc xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”, đẩy mạnh áp dụng phương thức “ba giảm, ba tăng”, “ một phải, năm giảm”. Phương thức sản xuất mang tính bền vững này đã thể hiện tính vượt trội về năng suất, giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập hộ thành viên, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho thành viên, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm.
Phương thức “ba giảm, ba tăng”, “ một phải, năm giảm” được nhiều HTX ở Bình định áp dụng hiệu quả |
Dịch vụ cuốn rơm rạ bằng máy để bán cho công ty bò sữa đã giúp tình trạng đốt rơm rạ trên cánh đồng, đường làng được loại bỏ. Trung bình mỗi vụ lúa, HTX thu cuốn được hơn 300 tấn rơm khô, mang về doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Động lực phát triển
Việc các HTX trên địa bàn tỉnh Bình Định đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường đã cho thấy sự chủ động của các HTX khi thực hiện theo đúng Luật HTX 2012, phù hợp với cơ chế thị trường.
Nhiều HTX đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, đa dạng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh gắn với liên kết chuỗi, giải quyết hài hòa lợi ích giữa HTX và thành viên.
Để giúp đỡ các HTX, hộ gia đình phát triển sản xuất bền vững,UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường và trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý BVTV, công tác thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, công tác xử lý chất thải và tiêu hủy xác gia súc, gia cầm trong chăn nuôi theo đúng quy định.
Hiện, UBND tỉnh và Liên minh HTX tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, hỗ trợ cho các HTX chuyển giao công nghệ mới thân thiện với môi trường trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, áp dụng rộng rãi công nghệ IPM (công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp) trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, thân thiện với môi trường…
Như Yến