Mô hình trồng bồn bồn ở xã Khánh An, huyện U Minh mang lại hiệu quả kinh tế tốt trong thời gian qua và đang được nhân rộng nhằm tạo công ăn việc làm, góp phần vào việc xoá nghèo cho các lao động trong xã.
Tăng thu nhập từ mô hình trồng bồn bồn
Điển hình như gia đình ông Tăng Văn Thắng là một trong những hộ đi đầu thực hiện trồng bồn bồn tại ấp 14, xã Khánh An. Kinh tế gia đình ông Thắng vốn thuộc hạng trung bình ở địa phương nhưng nhờ cây bồn bồn mà khá lên từng ngày. Hiện nay, trên diện tích 1,5 ha, bình quân mỗi tháng gia đình ông Thắng thu chục triệu đồng từ trồng bồn bồn.
Mô hình trồng cây bồn bồn mang lại thu nhập khá cho người dân xã Khánh An |
Hoặc như gia đình bà Lê Thị Chung ở ấp 1, xã Khánh An là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình trồng bồn bồn hơn 6 năm nay. Với diện tích 3 ha, mỗi tháng bà Chung thu hoạch từ 3,5-4 tấn bồn bồn, bán cho thương lái với giá từ 22.000-25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Chung còn thu nhập hơn 50 triệu đồng.
Mô hình trồng bồn bồn đã và đang mở ra nhiều triển vọng cho bà con nông dân trên địa bàn xã Khánh An nói riêng, huyện U Minh nói chung trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện đầu ra của cây bồn bồn đang ổn định và được xem là cây xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Ngoài mô hình nêu trên thì ở Khánh An còn phát triển nhiều mô hình kinh tế khác. Chẳng hạn, sau khi rà soát lại những hộ có diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm phèn, sản xuất lúa không hiệu quả, Hội Nông dân xã thành lập Tổ hợp tác, vận động bà con chuyển đổi mục đích sản xuất từ trồng lúa sang trồng dây thuốc cá.
Đến nay tổ hợp tác này có 11 thành viên tham gia với diện tích trồng dây thuốc cá là 16 ha, hiện nay mô hình đang phát triển, bình quân có hộ thu nhập từ dây thuốc cá trên 150 triệu đồng/năm, mô hình này được duy trì và tiếp tục nhân rộng trong nhân dân.
Không chỉ ở xã Khánh An, người dân ở các xã khác trong huyện U Minh cũng đang tham gia các mô hình kinh tế có tính chất hiệu quả nhằm nâng cao đời sống. Hiện nay thu nhập của lao động nông thôn ở huyện U Minh tăng lên, nên tỷ lệ hộ nghèo cũng từng bước được kéo giảm còn 7,65%.
Huyện U Minh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 2,5%/năm, vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, năm 2019 là năm huyện đột phá trong công tác giảm nghèo khi giảm được 3,81% tỷ lệ hộ nghèo, vượt 1,31% kế hoạch năm.
Nhân rộng mô hình giảm nghèo
Ngoài ra, huyện còn có nhiều HTX hoạt động tương đối hiệu quả, có những chuyển biến tích cực, tạo công ăn việc làm cho lao động nghèo. Nhất là ở các xã được công nhân đạt nông thôn mới đều có HTX hoạt động hiệu quả như : HTX Khánh An (xã Khánh An), HTX Lâm Đạt (xã Khánh Hòa).
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang được huyện U Minh chú trọng với hàng ngàn lao động nông thôn đã được học các nghề theo nhu cầu học, khá thu hút, tạo công ăn việc làm như: Đan đát, sơ cấp thú y, trồng nấm, kỹ thuật nuôi cua, nuôi tôm quảng canh cải tiến, lớp may dân dụng…
Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện triển khai thực hiện việc đào tạo nghề, dạy nghề, truyền nghề theo các nghề thuộc danh mục được triển khai phổ biến cho các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện còn tổ chức triển khai thực hiện công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã.
Huyện U Minh đang nhân rộng các mô hình kinh tế giảm nghèo hiệu quả |
Theo ông Ba, nhìn chung trong quá trình thực hiện đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng hiệu quả mang lại khá khả quan, tạo được công ăn việc làm cho một phần lao động nhàn rỗi ở nông thôn, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và ổn định đời sống, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm.
Để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả cao hơn, trong năm 2020 và các năm tiếp theo, huyện U Minh sẽ tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo. Đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cũng như thông tin đầy đủ về thị trường lao động, phối hợp với các doanh nghiệp, công ty tư vấn xuất khẩu lao động để tạo nhiều việc làm, thu nhập cao cho lao động.
Thanh Loan