Điển hình như mô hình “Nhóm phụ nữ dân tộc đan đát lục bình” đang giải quyết việc làm khá tốt, tạo việc làm cho các phụ nữ người dân tộc Khmer tại ấp Thới Hoà B, thị trấn Cờ Đỏ.
Hiệu quả mô hình đan lục bình
Khi tham gia mô hình, các chị em sau khi học nghề thành thạo được nhận nguyên liệu và gia công sản phẩm lục bình cho HTX Thủ công mỹ nghệ Kim Hưng cũng đóng tại địa bàn. Với hình thức liên kết này, HTX lẫn người làm công không phải lo lắng về đầu vào và đầu ra của sản phẩm.
Mô hình “Nhóm phụ nữ dân tộc đan đát lục bình” ở thị trấn Cờ Đỏ |
Chị Sơn Thị Lang, Tổ trưởng mô hình, cho biết trước đây chị được tham gia lớp đào tạo nghề đan lục bình theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Cờ Đỏ.
Với kỹ năng nghề thành thạo cùng sự nhạy bén, chị Lang không những ứng dụng nghề thành công, mà còn giúp nhiều chị em dân tộc Khmer khác. Chị Lang tâm sự: “Khi học nghề, tôi quyết tâm phải sử dụng được nghề, cải thiện đời sống”.
Đến nay, mô hình đã thu hút khoảng 130 lao động, trong đó đa số phụ nữ dân tộc Khmer thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định. Hiện, hầu hết thành viên đều thạo nghề, gia công sản phẩm đều đặn mỗi ngày, mang lại thu nhập ổn định giúp trang trải chi tiêu sinh hoạt.
Hoặc như Hà Thạch Thị Đầm, người dân tộc Khmer, thành viên Tổ hợp tác đan lát lục bình ở ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ, cho biết hiện đang có thêm thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng từ nghề đan lục bình.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ, hầu như năm nào huyện cũng mở lớp nghề đan lục bình cho lao động các xã, thị trấn trong huyện, trong đó tập trung nhiều nhất tại thị trấn Cờ Đỏ.
Năm 2020, bên cạnh tăng cường dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho phụ nữ, huyện khuyến khích chị em truyền nghề, sản xuất nguyên liệu… Qua đó, góp phần nhân rộng mô hình đan lục bình để giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Huyện Cờ Đỏ vốn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trước đây, đa phần đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, cùng với chính quyền địa phương, các cấp Hội phụ nữ huyện triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ thiết thực trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhằm giúp nhiều hội viên dân tộc Khmer thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Dạy nghề gắn với canh tác đặc thù
Tại huyện Cờ Đỏ, gần đây, qua chương trình đào tạo nghề kỹ thuật trồng lúa giống, nhiều bà con dân tộc Khmer mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa giống.
Chương trình này còn mở lớp dạy trồng lúa năng suất cao hướng đến ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu cho 60 học viên là người dân tộc Khmer.
Lao động người dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Cờ Đỏ được dạy các ngành nghề gắn với điều kiện đặc thù của từng địa phương như chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất cá giống…
Chính quyền huyện Cờ Đỏ quan tâm, tạo công ăn việc làm cho người dân tộc Khmer |
Một số nghề phi nông nghiệp như may dân dụng, đan lát, sửa xe máy… cũng được đồng bào dân tộc quan tâm theo học. Huyện Cờ Đỏ còn gắn công tác dạy nghề với thị trường lao động và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo thu nhập ổn định và giải quyết việc làm trên địa bàn.
Điển hình như chị Thạch Thị Xà Lan, người dân tộc Khmer ở ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, đời sống cải thiện rõ rệt.
Gần đây, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Cờ Đỏ đã tìm hiểu nhu cầu học nghề của bà con dân tộc Khmer, đào tạo cho khoảng 700 người trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề. Đồng thời, Trung tâm còn tư vấn, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho các học viên.
Các lao động là người Khmer có nguyện vọng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn được huyện phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến, áp dụng các mô hình canh tác khoa học nhằm giảm rủi ro và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác.
Thanh Loan