Trong phiên Thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) ngày 12/11, nhiều đại biểu đã dẫn câu chuyện vướng mắc trong thu thuế với Grab, Uber và cho rằng đây là một loại hình kinh doanh mới, Nhà nước không nên can thiệp quá mạnh và nên có phương thức thỏa thuận với doanh nghiệp (DN) công nghệ trong vấn đề thu thuế.
Grab - hiện tượng của một xu thế
Tại phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đã chỉ ra những khó khăn khi các DN nước ngoài hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ như Uber, Grab… khiến các nhà quản lý trong nước chật vật thu thuế khi họ kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là vấn đề nóng hổi và rất khó. “Hiện các nước cũng đang lúng túng áp dụng phương thức quản lý thuế về loại hình này. Nước thì phạt, nước thì cấm, nước thì đánh thuế kiểu này, nước đánh thuế kiểu kia”, Bộ trưởng nói.
Tại Việt Nam, xu thế phát triển kinh tế chia sẻ ngày càng phát triển và có tác động sâu rộng đến xã hội. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo đảm hoạt động cho các DN và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước dưới mô hình trên.
Đến thời điểm này, các hoạt động của những DN hàng đầu thế giới trong mô hình này như Uber, Grab tại Việt Nam cũng chỉ mới ở mức thí điểm, thậm chí vẫn còn những tranh cãi giữa các cơ quan quản lý về việc cấm hay không cấm hoạt động.
Nêu quan điểm, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không khuyến khích ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống.
Dẫn trường hợp tranh chấp giữa Grab và Vinasun, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Chúng ta có thể quản được một hiện tượng chứ không thể cản được một xu thế. Đã là xu thế thì sớm hay muộn cũng diễn ra, các cơ quan quản lý trong nước cần nhận diện đúng để sớm xây dựng hành lang pháp lý cho các DN yên tâm làm ăn”.
Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế |
Cần có phương thức tính thuế
Đề cập chuyện ngành thuế chật vật thu thuế các công ty đa quốc gia như Uber, Grab... khi họ kinh doanh tại Việt Nam, ông Dũng cho biết dựa trên thực tế khó quản lý và không đánh thuế được loại hình kinh tế chia sẻ, các nước đưa ra lời khuyên nên có phương thức thỏa thuận giữa Nhà nước và DN công nghệ trong vấn đề thu thuế. Như thế sẽ có tác dụng hơn trong việc khuyến khích DN hoạt động.
Nêu quan điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh ông nghiêng về việc khuyến khích nguồn thu thay vì quản lý, tận thu.
“Nguyên tắc quản lý thuế của chúng ta thiết kế hiện nay hơi nặng về quản lý thu. Tôi thì hướng đến khía cạnh tạo nguồn thu và khuyến khích nguồn thu. Nếu chỉ quản thu thôi mà không khuyến khích nguồn thu thì kìm hãm sự phát triển. Phải thay đổi”, Bộ trưởng Dũng bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Đoàn Bình Phước) cho rằng phải có công thức tính thuế để cùng trên một sản phẩm dịch vụ xác định được thuế cấu thành trong nhóm sản phẩm đó và đưa ra mức tính thuế phù hợp. Cơ quan thuế cũng có điều kiện giám sát và thực hiện thu thuế, đồng thời các cá nhân, pháp nhân đăng ký với hãng cũng trở thành một DN thực sự, nghĩa là phải đăng ký là DN để cùng khai báo thuế.
“Như vậy tạo ra sự bình đẳng với các đối tượng kinh doanh ngành nghề tương tự và chống thất thu thuế, bên cạnh đó cũng khuyến khích được các giải pháp công nghệ ứng dụng phục vụ cuộc sống”, ông Chung nói.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng KH&ĐT, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng trước đây hoạt động kinh doanh được hiểu một cách truyền thống, đơn thuần, nhưng hiện nay kinh doanh đặt trong bối cảnh kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ. Trong khi đó, pháp luật chưa có những quy định để nhận dạng hình thức này. Dẫu vậy, vì nhiệm vụ nên trong thực tiễn, ngành thuế vẫn phải xử lý việc kiểm soát thuế của các đối tượng kinh doanh theo hình thức mới.
Thanh Hoa