Bố Trạch có diện tích tự nhiên khá rộng lớn với địa hình đa dạng bao gồm đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển. Toàn huyện có trên 190.000 nhân khẩu, bao đời nay người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và duy trì các ngành nghề truyền thống.
Tăng thu nhập nhờ có việc làm ổn định
Theo thống kê, Bố Trạch hiện có 7 làng nghề, như làng Ba Đề (xã Bắc Trạch) với nghề sản xuất nón lá, làng Lý Nhân Nam (xã Nhân Trạch) với nghề chế biến hải sản, làng Quyết Thắng (xã Thanh Trạch) với nghề sản xuất hương, làng Quy Đức (xã Đức Trạch) với nghề chế biến hải sản...
![]() |
Bố Trạch có nhiều làng nghề tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động nông thôn (Ảnh TL). |
Huyện có 2 làng nghề truyền thống là làng Mai Hồng (xã Đồng Trạch) với nghề rèn đúc truyền thống, làng Vạn Lộc (xã Vạn Trạch) với nghề sản xuất rượu truyền thống. Ngoài ra, toàn huyện có hơn 3.000 cơ sở với đa dạng các nghề hoạt động ở khu vực nông thôn thu hút trên 4.200 lao động.
Tại xã Mỹ Trạch, hàng loạt cơ sở sản xuất với nghề truyền thống đang phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Có thể kể đến Tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch do chị Cao Thị Mến phụ trách, với 15 thành viên tham gia.
Với nguồn nguyên liệu từ mây tre, mỗi tháng, Tổ hợp tác Mỹ Trạch sản xuất được 400 - 500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng chủng loại như rổ, rá, mẹt, bình hoa, lẵng hoa, giỏ đựng quả hay đồ vặt, khay, dĩa, mâm, lồng bàn...
Những sản phẩm của Tổ hợp tác đã được trưng bày và bán tại các triển lãm, hội chợ trên địa bàn huyện và tỉnh, được khách hàng đánh giá cao từ mẫu mã đẹp đến chất lượng tốt. Với giá bán dao động từ 100.000- 500.000 đồng/sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên.
Tổ trưởng Cao Thị Mến cho hay, để có được thành công hiện tại, Tổ hợp tác đã chú trọng công tác dạy nghề, nâng cao kỹ thuật cho thành viên. Trong những năm qua, Tổ hợp tác đã tổ chức dạy nghề cho hàng trăm lao động, gồm cả thành viên và các hộ liên kết.
“Trong thời gian tới, Tổ hợp tác sẽ tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác dạy nghề nhằm tạo thêm việc làm cho lao động tại chỗ, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm, ổn định thu nhập cho những hộ làm nghề”, chị Mến nhấn mạnh.
Hỗ trợ để hiện thực hóa tiềm năng
Tương tự, nghề chế biến nước mắm truyền thống của người dân các làng biển như Đức Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch... cũng đang góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động.
![]() |
Huyện Bố Trạch chủ trương phát huy hiệu quả các làng nghề nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn (Ảnh TL). |
Ở cửa biển Đức Trạch, gia đình bà Lê Thị Vinh là một trong những cơ sở chế biến nước mắm có quy mô lớn tại địa phương. Mỗi năm, gia đình bà nhập về hơn 20 tấn cá cơm để chế biến nước mắm, giải quyết việc làm cho 9-10 lao động.
Với kinh nghiệm nhiều năm tâm huyết với nghề, bà Vinh luôn chú trọng công tác dạy nghề, nâng cao ý thức cho người lao động tuyệt đối tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật để tạo ra những giọt nước mắm thơm ngon, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
“Nghề này vất vả nhưng khi đã gắn bó thì đam mê càng nhiều. Dù tuổi cũng đã cao, nhưng tui vẫn cố gắng theo đuổi, vừa mang lại thu nhập, vừa giữ gìn nghề cho con cháu…”, bà Vinh bộc bạch.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch, để có được những bước tiến trong công tác phục hưng các làng nghề, thời gian qua, huyện đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống.
Trong đó, huyện chú trọng hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực để người dân tận dụng được các lợi thế, tiềm năng, khôi phục các nghề truyền thống, bảo đảm chất lượng, mẫu mã, phù hợp với xu thế phát triển. Nhờ đó, một số nghề, làng nghề truyền thống đã được bảo tồn và phát triển ở dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình.
Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa, được thị trường đón nhận, như mây tre đan, nón lá, hương, hải sản…, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân trong những lúc nông nhàn, qua đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi trực tiếp mở lớp truyền nghề. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đối tượng làng nghề vay vốn ưu đãi từ các kênh tín dụng với thủ tục đơn giản, thời hạn và lãi suất vay phù hợp đặc điểm sản xuất ngành nghề.
Nhật Minh