Để lao động nông thôn không còn hoài nghi về hiệu quả việc làm sau khi học nghề ngắn hạn, thời gian qua, các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh Bình Dương đã tích hỗ trợ người lao động, trong quá trình học và giới thiệu việc làm. Đây là cách làm thiết thực giúp lao động nông thôn (LĐNT) vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu về an sinh xã hội của tỉnh.
Bổ sung các ngành nghề phù hợp
Theo ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, chương trình đào tạo nghề cho LĐNT đã mang lại nhiều cơ hội, đặc biệt là những người nghèo ở nông thôn thay đổi cuộc sống.
Cho đến thời điểm hiện nay, Bình Dương đã không còn tình trạng đào tạo nghề chạy theo số lượng và thành tích mà đã chú trọng vào việc chức một cách chặt chẽ hơn, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, hoặc người học tự phát triển được khả năng của mình.
![]() |
Dưa lưới của HTX Kim Long |
Sở LĐ-TB&XH, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ. Liên minh HTX tỉnh là những đơn vị tập trung trong công tác đào tạo nghề. Mỗi năm, các đơn vị này mở hàng trăm lớp dạy nghề ở các lĩnh vực khác nhau cho lao động nông thôn.
Việc học nghề đều chú trọng theo phương châm của tỉnh, đó là cho người dân chiếc “cần câu” chứ không phải cho sẵn “con cá”. Việc đào tạo nghề còn gắn liền hiệu quả với các chương trình lớn; trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới…
Phát huy hiệu quả việc dạy nghề, tỉnh chú trọng nghiên cứu thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, HTX để bổ sung những ngành nghề phù hợp, bảo đảm sau khi học nghề học viên có công việc ổn định.
Riêng giai đoạn 2018- 2020, mục tiêu đào tạo nghề của Đề án đào tạo nghề LĐNT khoảng 4.140 người; trong đó nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp khoảng 2.640 người, nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp khoảng 1.500 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.
Hiện nay, tỉnh đang đào tạo 22 ngành nghề, như lái xe nâng hàng, bảo trì máy công nghiệp, vi tính, nấu ăn đãi tiệc, tiếng Hoa, tiếng Hàn, kỹ thuật pha chế… NLĐ đăng ký học nghề sẽ học tại trung tâm, được bố trí thời gian học theo đề nghị của đa số các học viên.
![]() |
Hưởng lợi kép nhờ đào tạo nghề nông thôn gắn với chuỗi giá trị sản xuất. |
Thu nhập ổn định
Anh Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, bắt đầu tham gia trồng trọt từ năm 2013 với việc trồng rau công nghệ cao, song thất bại vì thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật canh tác. Năm 2014, qua tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới và tham gia các buổi đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh quyết tâm chuyển đổi 7.000m2 cao su của gia đình sang trồng dưa lưới.Hiện nay, anh đã thành lập được HTX với 9 thành viên, vốn điều lệ 2,4 tỷ đồng.
Không chỉ anh mà các thành viên HTX đều lần lượt tham gia các lớp đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp. “Người nông dân, thành viên giờ đây đã có đất, có kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác. Chúng tôi có hiểu biết về kỹ thuật, về công nghệ, quản lý về quy trình và phát triển thị trường”-. anh Nguyễn Hồng Quyết cho biết.
Nhờ mô hình sản xuất hiệu quả, có đầu ra rộng mở, cuộc sống của các thành viên HTX Kim Long đã bớt khó khăn. Một số thành viên của HTX từng là hộ nghèo giờ đã tự tin hơn trong cuộc sống.
Cũng như anh Hoàng, rất nhiều người nghèo ở Bình Dương cũng được hỗ trợ học nghề theo Đề án đào tạo nghề LĐNT. Một số ngành nghề chính được lựa chọn đào tạo như nghề xây dựng, chăn nuôi, chăm sóc cây cảnh, sửa chữa xe máy, may dân dụng, nấu ăn đãi tiệc...
Qua hoạt động đào tạo nghề, người học đã tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình đào tạo, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tạo việc làm để kiếm sống.
Bên cạnh việc đào tạo nghề, các ngành chức năng đã hỗ trợ cho LĐNT bằng cách giới thiệu vào làm các công ty, xí nghiệp, HTX… qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình người lao động.
Như Yến