Theo UBND tỉnh, đến hết 9/2019, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC của Tuyên Quang đã tăng thêm 6.203 ha. Diện tích cấp mới không ngừng tăng đã đưa tỉnh ta trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ với tổng diện tích 25.363 ha.
Tăng diện tích rừng FSC
Trong số 6.203 ha được cấp mới, có 115 ha của 11 hộ gia đình, cá nhân, còn lại 6.088 ha là của HTX, doanh nghiệp; tổng số hộ được cấp chứng chỉ là 857 hộ.
Điều đó cho thấy để diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, người dân phải liên kết thành nhóm, HTX, tổ hợp tác để có thể phân chia phụ trách công việc chung như lập và quản lý hồ sơ, điều hành... Các thành viên tham gia nhóm, HTX, tổ hợp tác phải tự nguyện thực hiện các nguyên tắc như đất trồng rừng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích tối thiểu là 1 ha, rừng được hình thành trên đất trống, kế hoạch trồng rừng phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Trồng rừng gỗ lớn giúp bảo vệ môi trường |
Ngoài ra, quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển… đều phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu khắt khe khác nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo đảm rừng phát triển bền vững để vừa mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho người trồng rừng, vừa bảo đảm được các yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường.
Tại xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy là đơn vị tiên phong trong tỉnh hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng theo quy trình, tiêu chuẩn FSC.
Ban đầu, HTX chỉ có 7 thành viên, nhưng đến nay, HTX đã thu hút được 30 thành viên đều nằm trong nhóm chứng chỉ rừng. Các thành viên trong nhóm chứng chỉ rừng được các hộ trồng rừng trong xã ủy quyền để quản lý việc hướng dẫn, vận động, quản lý cấp chứng chỉ rừng đối với trên 600 hộ trồng rừng trong xã. HTX đã chủ động liên kết với các chuyên gia và công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo quy trình cấp chứng chỉ rừng FSC.
Nhờ sự chủ động, tích cực của HTX, hơn 600 hộ gia đình ở xã Tiến Bộ đã được cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích 1.451,8 ha rừng. HTX đang đẩy nhanh tiến độ để trong năm 2019 sẽ xây dựng xưởng sản xuất gỗ theo tiêu chuẩn FSC- CoC (chứng nhận chuỗi sản phẩm). Đây được coi là xưởng vệ tinh để chế biến gỗ đầu vào cung cấp cho công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.
Bảo vệ môi trường
Không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, các nhóm, HTX, tổ hợp tác trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC còn giúp người dân thay đổi nhận thức, tích cực bảo vệ môi trường để phát triển rừng theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Văn Nhu, xã Công Đa, người có 10 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, cho biết để được cấp chứng chỉ rừng, các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí như không được sử dụng thuốc diệt cỏ; phải bảo vệ các loại động vật hoang dã; không được đốt thực bì; phải có bảo hộ lao động khi chăm sóc rừng; quá trình khai thác không được để lại dấu tích của xe cộ, chất thải để tránh tác động đến môi trường rừng…
Khi trồng rừng FSC, sản phẩm đều có chất lượng cao nên được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn nhiều lần so với gỗ rừng được trồng thông thường nên nhiều hộ dân tích cực mở rộng diện tích trồng rừng FSC.
Có thể thấy, khi gắn giá trị kinh tế với rừng, người dân đã chú trọng áp dụng các quy tắc sản xuất, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đã được chú trọng, từ đó phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cân bằng môi trường sinh thái và đặc biệt là mang lại giá trị kinh tế lớn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều người dân.
Tuyên Quang là địa phương có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi và nhiều khe suối; thời tiết khí hậu có nhiều diễn biến bất thường (lũ quét, sương mối, rét đậm, rét hại, cháy rừng…). Do vậy, tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân, HTX, tổ hợp tác tích cực liên kết với doanh nghiệp phát triển trồng rừng FSC, đồng thời tăng cường quản lý nương rẫy và nhiều biện pháp khác nhằm hạn chế đến mức tối đa nguy cơ cháy rừng và những thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Như Yến