Thời gian gần đây, CTCP Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu đã ký kết hợp tác với Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu thực hiện Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” nhằm xây dựng mô hình liên kết sản xuất với các HTX, đồng thời qua đó giúp cho người nông dân, lao động nông thôn có thêm sự “chuyên nghiệp” trong sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp.
Liên kết cùng doanh nghiệp
Chẳng hạn như doanh nghiệp (DN) này ký kết hợp tác với các HTX nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu áp dụng mô hình sản xuất lúa - tôm từ năm 2019, theo chuỗi giá trị khép kín.
Trong đó, DN sẽ đầu tư toàn bộ quy trình từ khâu cung ứng con giống, vật tư thủy sản, trang bị kiến thức và tập huấn quy trình nuôi, đồng thời thực hiện bao tiêu 100% sản phẩm cho nông dân theo giá thu mua cao hơn giá trị trường.
Điều này đã tạo được tâm lý phấn khởi cho các HTX và hơn 5.000 hộ nông dân Bạc Liêu tham gia chuỗi liên kết.
Nông dân Bạc Liêu cần “chuyên nghiệp hoá” trong sản xuất nông nghiệp |
Ông Dương Văn Hào, Giám đốc HTX Quyết Tâm (xã Phước Long, huyện Phước Long) cho biết: Từ khi liên kết hợp tác, ý thức của các thành viên trong HTX và người nông dân nói chung đã được nâng lên rất nhiều. Từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã chuyển sang hợp tác, liên kết và xem khoa học - công nghệ là khâu đột phá.
Trước đây, trong sản xuất rau màu, tuy các địa phương trong tỉnh đã có thành lập các tổ hợp tác và HTX, nhưng do thiếu sự chuyên nghiệp và thiếu các mối liên kết với DN thông qua đào tạo, tập huấn nên vẫn còn tồn tại việc “mạnh ai nấy làm”. Vì thế, không thể tạo ra khối lượng hàng hóa lớn và chất lượng để cung ứng cho các DN đầu mối tại Tp.HCM và đưa vào siêu thị.
Bên cạnh hoạt động liên kết này, tỉnh Bạc Liêu đang chú trọng vào việc đào tạo nghề cho lao động nông nhàn được lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tạo nguồn nhân lực và tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hoá.
Mục tiêu của tỉnh Bạc Liêu là đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 23,97%); lao động qua đào tạo có việc làm, tự tạo việc làm đạt 85% trở lên.
Cần lưu ý là hiện nay, nhiều DN trong tỉnh luôn vẫn còn tình trạng “khát” lao động, nhưng lao động nông thôn lại thay nhau bỏ xứ đi tỉnh ngoài làm thuê. Như hồi năm ngoái, số lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ có hơn 5.600 người, còn lao động đi kiếm sống ngoài tỉnh là 18.989 người.
Gắn đào tạo, giải quyết việc làm với nhà máy, HTX
Đây không chỉ là việc “chảy máu” nguồn nhân lực, mà còn là vấn đề xã hội nhức nhối. Đặc biệt là lao động nông thôn đi làm ngoài tỉnh luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, do phần lớn bị xếp vào nhóm lao động công nhật, không được các DN thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp luôn chực chờ.
Trước những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, trong đó nông dân ở Bạc Liệu được cho là đối tượng chịu nhiều tác động.
Lao động nông thôn ở Bạc Liêu rất cần sự liên kết và hỗ trợ của HTX, DN |
Do vậy, người nông dân Bạc Liêu rất cần sự liên kết và hỗ trợ của HTX, DN trong việc đảm bảo sản xuất theo quy trình khép kín, nhất là sự hỗ trợ về mặt tập huấn, đào tạo để họ được chuyên nghiệp hơn.
Tuy vậy, giới chuyên gia cũng lưu ý, với các nông dân tham gia những lớp tập huấn ngắn hạn từ 1 - 2 tháng thì không thể coi là đào tạo nghề được, mà chỉ là tập huấn để giúp nông dân tăng thêm kiến thức.
Do vậy, rất cần tách đào tạo nghề và tập huấn. Bởi tập huấn là lao động có sẵn và đang sản xuất thì làm sao 100% lao động sau đào tạo nghề lại không có việc làm được?
Đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh Bạc Liêu phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp, việc “chuyên nghiệp” của nông dân lại càng được đòi hỏi cao hơn để phát triển các loại nông sản chất lượng cao, có thương hiệu, các mô hình tôm, lúa được coi là lợi thế so sánh của địa phương.
Để đào tạo nghề cho nông dân Bạc Liêu thật sự mang lại hiệu quả, cần gắn đào tạo, giải quyết việc làm với nhà máy, HTX. Có như vậy, tỉnh Bạc Liệu mới phát huy được hiệu quả và đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thanh Loan