Nhiều năm qua, tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nào cũng tăng cao hơn năm trước, ngày càng khốc liệt hơn. Theo Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 là xâm nhập mặn lịch sử, xuất hiện sớm, cường độ cao, khiến 39.000 ha lúa vụ Đông Xuân (chiếm khoảng 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng) bị hạn mặn.
Cải tiến canh tác, trồng giống chịu mặn
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và nông dân ĐBSCL đã có nhiều giải pháp để ứng phó với hạn mặn, nhờ vậy sản lượng lúa vẫn tăng. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ lúa Đông Xuân 2020, các tỉnh ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha; năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 10,7 triệu tấn, tăng 6% so với vụ Đông Xuân năm trước.
![]() |
Nông dân ở Ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đo lượng nước cho cây lúa trên ruộng lúa canh tác theo mô hình ICMP |
Về các giải pháp phòng chống hạn mặn, ngoài việc tổ chức đắp đập ngăn mặn, vận hành hợp lý công trình thủy lợi để lấy nước, nhiều HTX và chính quyền các địa phương đã tổ chức cho nông dân triển khai canh tác trồng lúa thích ứng với hạn, mặn. Trong khuôn khổ Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu (ICMP) tại ĐBSCL do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ, các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu đã triển khai nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn, ứng phó với hạn, mặn.
Tại HTX Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), với sự hỗ trợ từ GIZ, mô hình canh tác thích ứng hạn, mặn được triển khai trên diện tích hơn 50ha. Ông Nguyễn Hoàng Hương, Giám Đốc HTX Nam Hưng cho biết, một vụ lúa được ngắt nước từ 3 - 4 lần và khi bơm nước vào ruộng nước chỉ cần ngập 5cm, thay vì phải từ 10 - 20cm như trước đây. Trước đây, mỗi ha trồng lúa phải đầu tư chi phí từ 22 - 23 triệu đồng, nhưng từ khi áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”, chi phí giảm xuống còn khoảng 17 triệu đồng/ha. Trong khi đó, năng suất từ 6 - 7 tấn/ha tăng lên 10 tấn/ha, nên lợi nhuận áp dụng mô hình tăng lên hơn 5 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu cho hay, mô hình tưới “ướt khô xen kẽ” giảm từ 20 - 30% lượng nước tưới mà không ảnh hưởng tới năng suất. Khi áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”, giai đoạn khô (cây lúa ở thời điểm 30 - 40 ngày sau gieo sạ) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để rễ lúa ăn sâu vào đất và hút dinh dưỡng. Cây lúa có bộ rễ khỏe, thân cứng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và giảm tỷ lệ đổ ngã. Việc áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ” kết hợp với chương trình “1 phải - 5 giảm”, “3 giảm - 3 tăng”…, lợi nhuận không chỉ tăng thêm từ 5 - 7 triệu đồng/ha, mà còn là mô hình thích ứng trong điều kiện thiếu nước ngọt khi đối đầu với hạn, mặn.
Theo ông Na, thời gian qua, cùng với xây dựng các mô hình chống hạn, một số địa phương trong tỉnh Bạc Liêu còn đầu tư hàng tỷ đồng cho việc lai tạo các giống lúa chịu mặn. Điển hình như giống “lúa sỏi” ở huyện Hồng Dân có khả năng chịu mặn từ 5 - 7‰.
Tại tỉnh Trà Vinh cũng đã nghiên cứu thành công giống lúa chịu mặn đến 5‰. Trong đó, giống lúa do ông Lê Văn Chính, Giám đốc HTX lúa giống 9 Táo (xã Song Lộc, huyện Châu Thành) sưu tầm và lai tạo thành công đang được rất nhiều nông dân ưa chuộng để trồng.
Ông Chính cho hay, đã chọn được 3 dòng có năng suất khá cao và phẩm chất tốt để làm giống nhân rộng, được ông đặt tên là Táo Tím 19, 29, 39. Các giống lúa này đều đạt khả năng chịu mặn trên môi trường thử nghiệm, độ mặn 5‰, cây lúa vẫn phát triển bình thường, cho năng suất khá. Còn trong điều kiện nước ngọt, lúa cho năng suất tốt dao động từ 7-9 tấn/ha, tùy vụ.
Ba dòng Táo Tím đều có những ưu điểm vượt trội, như Táo Tím 19 có hạt dài hơn giống lúa RVT, sinh trưởng từ 85-89 ngày; Táo Tím 29, hạt dài hơn giống Jasmine thời gian sinh trưởng từ 89-95 ngày; Táo Tím 39 hạt dài như VD 20, thời gian sinh trưởng từ 97-99 ngày. Các giống lúa Táo Tím 19, 29, 39 đã được Cục Trồng trọt đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
Lan tỏa mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, các giải pháp canh tác lúa thích ứng biến đổi khí hậu và nghiên cứu, ứng dụng gieo trồng những giống lúa chịu mặn, chịu hạn chỉ là một trong những giải pháp ứng phó.
Hiện, nhiều nơi trong tỉnh Bạc Liêu, nông dân đã chuyển hướng canh tác theo mô hình kết hợp trồng lúa với nuôi tôm. Khi nuôi tôm, đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn, mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Vì vậy, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa.
Theo ông Trung, kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh Bạc Liêu dự đoán đến năm 2050, nếu mực nước biển tăng từ 22 - 30cm thì Bạc Liêu có hơn 180.110 ha bị ngập, chiếm 69,4% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, nếu lấy ngưỡng mặn 4‰ thì toàn tỉnh sẽ có gần 75% diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.
“Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Bạc Liêu sẽ hóa giải các nguy cơ ấy trở thành thời cơ và đây là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Nhằm cụ thể hóa quan điểm và tư duy đổi mới này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, ông Trung cho biết.
Tỉnh Bạc Liêu đề ra mục tiêu: Xây dựng, hình thành và lan tỏa mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế. Góp phần phát triển ngành tôm Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm, lúa Bạc Liêu, xứng đáng là hai sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích tôm - lúa đạt 41.000ha, năng suất 0,5 tấn/ha/năm, sản lượng phấn đấu đạt 20.500 tấn; đối với lúa, năng suất đạt 4,64 tấn/ha, sản lượng phấn đấu 190.240 tấn. Qua đó, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tôm và gạo toàn tỉnh lên 1 tỷ USD vào năm 2025.
Chu Khôi