Tiền thân của HTX 30/4 là Tổ hợp tác 30/4, thành lập năm 2012, có 14 thành viên đều là dân di cư từ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào. Khi mới thành lập, được nghe phổ biến về Dự án SUSV, được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm rừng, tôm sạch và nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC nên các thành viên đều hào hứng tham gia. Ông Đặng Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Dân di cư hồi nào nghèo lắm nhưng nay, thành viên của HTX không còn có ai là hộ nghèo”.
Những con số lợi nhuận "biết nói"
Di cư vào vùng đất hoang vu và rất nghèo này từ những năm 1978, ông Ngọc và người dân đã mày mò nuôi tôm nhưng vụ được vụ mất, càng về sau càng thất bại nhiều. Nguyên nhân bởi môi trường bị ô nhiễm mà kỹ thuật người dân lại không cao. Mối liên kết giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ở đầu ra trục trặc nhiều hơn thông suốt, mà bất lợi thường được đẩy cho người nuôi.
Dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng giúp các thành viên HTX thoát nghèo (Ảnh: Tư liệu) |
Khi Dự án giới thiệu liên kết với doanh nghiệp, các thành viên của Tổ hợp tác vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy mình được quan tâm, tạo điều kiện cho làm ăn liên kết theo chuỗi là nỗi khát khao sâu xa, còn lo vì không biết phải làm ăn với họ sẽ ra sao. Vì vậy, Tổ hợp tác ban đầu chưa dám ký kết ngay mà các thành viên cùng nhau thảo luận rất nhiều lần, tranh luận về các điều khoản trong liên kết đầu vào lẫn đầu ra. Vừa làm vừa học, thảo luận vì mục tiêu chung, khi đạt được sự nhất trí cao thì mới dám ký hợp đồng.
Tham gia dự án SUSV, các thành viên được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sạch và tìm hiểu sâu các kiến thức về nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị bền vững. Đặc biệt, người nuôi tôm được tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, nên tỷ lệ nuôi tôm thành công luôn đạt cao.
Hiệu quả của mô hình này đã được minh chứng bằng những con số lợi nhuận của từng hình thức nuôi. Đối với nuôi thâm canh, bán thâm canh tôm sú, thu nhập bình quân 400 triệu đồng/ha/năm (chỉ nuôi 1 vụ/năm), còn tôm thẻ chân trắng là 600 triệu đồng/ha/năm (có thể nuôi 2 - 3 vụ/năm); nuôi quảng canh 50 - 70 triệu đồng/ha/năm (chỉ nuôi 1 vụ/năm)…
Nhờ dự án trang bị tốt kiến thức nghề nuôi theo chuỗi nên mấy năm gần đây, dù ảnh hưởng biến đổi khí hậu và dịch bệnh bùng phát, các thành viên vẫn giữ được sự thành công. Không chỉ nắm chắc kỹ thuật, các thành viên còn nuôi theo quy trình để ra được con tôm theo đặt hàng của doanh nghiệp, cũng là đặt hàng của thị trường để được tiêu thụ thuận lợi.
Chuỗi liên kết bền vững
Tháng 4/2017, được sự hỗ trợ của dự án SUSV và ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, Tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX 30/4, với tổng diện tích đất nuôi tôm 60 ha. Ông Nguyễn Văn Đông, thành viên HTX chia sẻ: "So với ngày đầu mới thành lập Tổ hợp tác thì hiện nay, đời sống của các thành viên khấm khá hơn nhiều, thu nhập tăng qua mỗi năm, ai cũng cất được nhà cao cửa rộng, có vốn đế tái đầu tư sản xuất".
Nhờ được tập huấn kỹ thuật nên tỷ lệ nuôi tôm thành công luôn đạt cao (Ảnh: TL) |
Năm đầu hoạt động dưới hình thức HTX, diện tích 60 ha nuôi tôm được chia ra 21 ha nuôi thâm canh và bán thâm canh, còn lại nuôi quảng canh. Vụ đó, nuôi thâm canh và bán thâm canh đã thu hoạch 40 tấn tôm thương phẩm trong đợt 1. Hiện nay, HTX đã có giấy chứng nhận ASC (nuôi tôm theo tiêu chuẩn châu Âu), ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra tôm nguyên liệu với Công ty xuất khẩu và chế biến thủy sản Âu Vững II (thị xã Giá Rai).
Có thể thấy, mối liên kết chuỗi HTX 30/4 đang thực hiện đã tạo thêm lợi nhuận và niềm tin cho các thành viên. Từ khi tham gia Dự án SUSV, các thành viên đã thực hiện được quy trình nuôi tôm sạch, đạt tiêu chuẩn ASC, không còn sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh, vấn đề hiện nay là cho ra được những lứa tôm đồng đều.
Để thực hiện liên kết chuỗi bền vững, thời gian tới, HTX sẽ tập trung hoạt động hướng đến sự thống nhất trong cung ứng đầu vào lẫn tiêu thụ sản phẩm. Mục đích đảm bảo cho các thành viên mua được sản phẩm chất lượng, giá thành hạ và tôm nuôi chất lượng đồng đều, bán giá ổn định hơn. Theo đó, HTX đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ có hiệu quả cho các thành viên như: thương thảo với đối tác cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Thu Huyền