Dệt Dèng là một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều tại huyện A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng trong kho tàng văn hóa các dân tộc. Năm 2016, dệt Dèng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Giữ nghề dệt Dèng
Chị Hồ Thị Lệ, xã Hồng Quảng, chia sẻ để tạo nên một tấm Dèng đẹp, không chỉ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về sợi vải, hạt cườm và lục lạc, mà chính mỗi nghệ nhân phải khéo léo trong từng động tác dệt, tỉ mỉ đính từng hạt cườm để có những hoa văn độc đáo riêng.
Huyện A Lưới dành nhiều nguồn lực để gìn giữ nghề dệt Dèng. |
Từ năm lên 8 tuổi chị Lệ đã được bà và mẹ dạy cho cách dệt Dèng để bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc. Đến năm 18 tuổi, chị đã tự dệt được những tấm Dèng đẹp và bán sản phẩm để có thu nhập cho gia đình.
Theo chị Lệ, hiện nay nhiều phụ nữ ở các xã miền biên giới A Lưới vừa chăn nuôi vừa tham gia mô hình HTX dệt Dèng để tăng thu nhập cho gia đình. Dèng có “sức sống” không chỉ đối với người bản địa mà còn ở trong lòng cộng đồng du khách.
Đáng chú ý, để phát triển nghề truyền thống, các ban ngành huyện A Lưới đặc biệt quan tâm phát huy vai trò của HTX. Đến nay, toàn huyện có 4 HTX chuyên phát triển nghề dệt Dèng.
Trong năm 2020, 4 HTX dệt Dèng của huyện được hỗ trợ tích cực về đào tạo và dây chuyền sản xuất, kinh doanh. HTX Thổ cẩm xanh AZakooh được hỗ trợ mở rộng từ 30 lên 132 thành viên.
Bên cạnh đó, các HTX, hộ làm nghề trên địa bàn huyện cũng được tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về may, thiết kế nhiều mẫu mã sản phẩm đẹp từ vải Dèng, làm tăng giá trị cho sản phẩm.
Nâng cao thương hiệu
Theo UBND huyện A Lưới, đến nay địa phương đã có 2 làng nghề được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống bao gồm làng nghề dệt Dèng A Hưa (xã Nhâm) và làng nghề dệt Dèng A Đớt (xã A Đớt), mỗi năm đào tạo hàng chục người về kỹ thuật may trang phục truyền thống.
Dệt Dàng được đầu tư về kỹ thuật, trình độ nhân lực để nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu. |
Tuy vậy, lâu nay, người dân gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ do sản phẩm chủ yếu dệt thủ công nên năng suất thấp, giá thành cao và chất lượng chưa đồng đều.
Trước thực trạng đó, huyện đã tiến hành khảo sát, thẩm định và hỗ trợ các HTX về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đào tạo nhân lực để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó nâng tầm thương hiệu, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đơn cử, huyện đã hỗ trợ HTX Dệt thổ cẩm A Co 35 triệu đồng mua bộ dàn khung dệt cải tiến và các phụ kiện đi kèm, với công suất từ 15 - 20 mét vải/ngày.
Được tiếp sức từ nguồn vốn khuyến công, HTX dệt thổ cẩm A Co đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng trang bị máy sản xuất vải Dèng, qua đó góp phần thay đổi mô hình sản xuất từ thủ công sang máy móc.
Đại diện HTX Dệt thổ cẩm A Co cho biết năng suất của máy gấp 5 - 7 người, trung bình mỗi người dệt 1 tấm vải Dèng dài 3m mất hơn 1 tuần, trong khi đó máy dệt cải tiến có thể dệt từ 15 - 20 mét vải Dèng/ngày.
Để nghề truyền thống không mai một, huyện A Lưới đã xây dựng Dự án Bảo tồn và phát triển nghề dệt Dèng thổ cẩm giai đoạn 2019 - 2021. Việc xây dựng và triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
“Việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống không chỉ góp phần giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo bền vững mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc”, đại diện UBND huyện A Lưới nhấn mạnh.
Nhật Minh