Đầu tháng 6/2022, chị Hồ Minh Tuyết quyết định thuê mới một căn nhà 2 tầng trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) để mở siêu thị mini. Địa điểm mới này cách siêu thị cũ của chị chưa đầy 200m (đã đóng cửa vì Covid-19) và có diện tích chỉ bằng 1/2.
Cửa hàng nhỏ lãi hơn siêu thị lớn?
Chị Tuyết chia sẻ, sau khi siêu thị cũ phải đóng cửa và chịu một khoản lỗ không nhỏ, chị quyết định điều chỉnh lại mô hình hoạt động và cách bài trí. Thay vì mở một siêu thị lớn với diện tích vài trăm m2, giờ chị chọn chia nhỏ chi phí để mở các cửa hàng nhỏ hơn.
“Yếu tố cơ bản để duy trì một cửa hàng là doanh thu/m2. Các cửa hàng nhỏ đang làm tốt yếu tố này đồng thời có lợi thế dễ dàng thâm nhập vào các khu dân cư, từ đó tăng độ phủ sóng. Xu hướng của số đông người tiêu dùng là chọn những siêu thị nhỏ gần nhà thay vì đến các đại siêu thị ở xa”, chị Tuyết nói.
Cũng theo chị Tuyết, siêu thị, cửa hàng mini có thể nhỏ hơn về diện tích nhưng mật độ hàng hóa cao, đa dạng, từ hàng hóa tiêu dùng, nhu yếu phẩm đến thực phẩm tươi sống, thậm chí cả dược phẩm. Các chương trình khuyến mãi lớn (các nhãn hàng tài trợ) cũng liên tục được tung ra.
Không chỉ là sự lựa chọn của nhà đầu tư cá nhân, các cửa hàng có diện tích nhỏ hơn cũng đang là “quân bài” chiến lược trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường của nhiều "đại gia" đầu ngành ngành bán lẻ.
Các cửa hàng, siêu thị vừa và nhỏ với lợi thế phủ sóng nhanh đang trở thành xu thế, được chú trọng mở rộng. |
Điển hình như Masan với chuỗi WinMart+ (tiền thân là VinMart+). Trong 6 tháng đầu năm 2022, "ông lớn" này liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ có diện tích vừa và nhỏ. Đặc điểm của các cửa hàng này là nằm giữa khu dân cư với mật độ khách hàng ổn định và mang lại lợi luận cao.
Cụ thể, trong bảng phân tích kết quả kinh doanh của Masan, trong nửa đầu năm 2022, doanh thu tại các cửa hàng WinMart+ ước đạt 8.022 tỷ đồng, tăng 5,3%. Trong khi doanh thu của các siêu thị WinMart+ ghi nhận đạt 4.515 tỷ đồng nửa đầu năm 2022, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Rõ ràng, với những lợi thế về tính linh hoạt, độ phủ sóng nhanh, các cửa hàng, siêu thị mini đang đem về mức doanh thu, lợi nhuận cao hơn các siêu thị lớn. Đây cũng là lý do hàng loạt "đại gia" trong ngành như Saigon Co.op, Thế giới Di động, AEON Việt Nam... đều đang tập trung vào mô hình này.
Các nhà bán lẻ hàng đầu như Zara và H&M cũng đang chú trọng mở nhiều cửa hàng nhỏ phục vụ cư dân trong một khu vực bên cạnh duy trì cửa hàng flagship (cửa hàng lớn nhất và hiện đại nhất trong chuỗi bán lẻ) ở vị trí trung tâm để khẳng định thương hiệu và nâng cao trải nghiệm với khách hàng.
Sức hút sẽ tiếp tục gia tăng
Lý giải nguyên nhân khiến mặt bằng nhỏ đang “lên ngôi” thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh yếu tố lợi nhuận, còn là vì việc mở siêu thị ở các đô thị lớn ngày càng khó khăn do quỹ đất hạn hẹp và đòi hỏi sự đầu tư lớn. Trong khi đó, các cửa hàng, siêu thị mini dễ dàng len lỏi vào khu dân cư, đi theo sự phát triển dự án bất động sản với nguồn khách có sẵn.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thói quen cũng như xu hướng, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi mạnh mẽ.
"Khách hàng giờ đây ưu tiên sự thuận tiện, lựa chọn mua sắm ở các địa điểm gần nhà. Bên cạnh đó, họ chú trọng các sản phẩm tốt cho sức khỏe với giá cả hợp lý. Đó là lý do các siêu thị mini, cửa hàng nhỏ sẽ là xu hướng", ông Yasuyuki nói.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, sự sôi động của mặt bằng nhỏ không có nghĩa là các mặt bằng lớn “thất thủ”. Ngược lại, sự tăng trưởng đồng đều ở tất cả các phân khúc đang giúp thị trường mặt bằng bán lẻ hồi phục nhanh chóng sau đại dịch, và có thể sẽ trở lại thời hoàng kim trước dịch.
Tham vọng của các doanh nghiệp bán lẻ cả trong và ngoài nước đang thổi hơi nóng vào thị trường mặt bằng cho thuê tại Việt Nam. Các kết quả thống kê đều cho thấy kể từ đầu năm, nhu cầu thuê đã gia tăng trở lại với kế hoạch mở rộng ấn tượng của các doanh nghiệp.
Cụ thể, công suất cho thuê trung bình trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đang ở mức cao, đạt trên 90%. Đơn cử, theo Cushman & Wakefield Việt Nam, trong quý II/2022, thị trường mặt bằng bán lẻ ở Tp.HCM dần khôi phục sau chuỗi ngày bị bỏ trống, tỷ lệ trống được ghi nhận ở mức 5,1%.
Còn theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Jones Lang Lasalle Việt Nam, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM bình quân 41,7 USD/m2/tháng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021. Còn ở Hà Nội, giá thuê thuần tại các trung tâm thương mại trọng điểm ở trung tâm và ngoài trung tâm hiện đạt lần lượt 63,6 USD/m2/tháng và 29,3 USD/m2/tháng.
Có thể thấy, trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, mặt bằng bán lẻ vẫn có chỗ đứng không thể thay thế được trong mô hình bán lẻ đa kênh đang nở rộ như hiện nay. Theo dự báo, với nguồn cung hạn chế, giá thuê mặt bằng bán lẻ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì vậy, nếu tìm được địa điểm thích hợp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân nên cân nhắc “xuống tiền”.
Hiến Nguyễn