Những ngày qua, nhiều khu vực quanh dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dù chưa xác định thời hạn khởi công nhưng giá đất đã bị lực lượng “quan xanh, quân đỏ” bắt tay đẩy giá lên. Tình hình diễn biến phức tạp tới mức các cơ quan địa phương phải lên tiếng cảnh báo.
Sốt đất bùng lên theo quy hoạch
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài bắt đầu từ Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, tuyến đi song song Quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh).
Ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết, dù dự án chưa triển khai nhưng đất ở khu vực huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Gò Dầu, Bến Cầu (Tây Ninh) đang có dấu hiệu bị “thổi giá”.
Các môi giới trong khu vực cũng tiết lộ, từ khi có thông tin quy hoạch cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào năm 2021, người dân địa phương rao bán đất rất nhiều.
Khảo sát cho thấy, giá đất tại huyện Bến Cầu thời điểm này đã tăng 30 - 50% so với năm 2021. Vùng lân cận khu vực cửa khẩu Mộc Bài (đoạn qua huyện Bến Cầu) đang ở mức 800 – 1,2 tỷ đồng/lô (70 – 90m2). Nhiều khu đất thổ cư được người bán “hét giá” cao hơn giá thị trường 500 – 700 triệu đồng.
Ở huyện Gò Dầu, thị trường nhà đất cũng liên tục tăng nhiệt, giá rao bán bình quân 500 - 800 triệu đồng/lô đất (100m2). Hay như ở huyện Củ Chi, giá đất tại các khu vực đường cao tốc dự kiến đi qua như Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Thạnh… cũng liên tục tăng.
Sốt đất ảo vẫn bùng lên ở một số địa phương mỗi khi có các thông tin quy hoạch được công bố hoặc đồn thổi. |
Theo Sở TN&MT Tây Ninh, sốt đất đã bắt đầu manh nha trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2022. Thống kê trong 2 quý đầu năm 2022, số hồ sơ đất đai được Sở tiếp nhận lên đến hơn 134.500, đã giải quyết hơn 128.700 hồ sơ. Sở cũng đã cảnh báo tình trạng sốt đất ảo tới người dân.
Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, thị trường diễn biến bất thường khiến chính quyền nhiều xã phải tổ chức cắm các biển cảnh báo, nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, hạn chế rủi ro cho người dân, nhà đầu tư.
Tương tự dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, tình trạng sốt đất ảo cũng bùng lên tại dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột suốt nhiều tháng qua.
Như Vnbusiness đã đưa tin trước đó, các khu vực tuyến đường đi qua như thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc), thị trấn Ea Kar và Ea Knốp (huyện Ea Kar), huyện M’Drắk, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa)… đang trở thành điểm nóng được “cò” săn đón.
Anh Hoàng Nam, một môi giới được mệnh danh là “thổ địa” tại khu vực Đắk Lắk, cho hay chỉ trong khoảng 3 tháng qua, giá đất nông nghiệp quanh chỉ giới đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang đã tăng cả chục lần, từ mức 100-120 triệu đồng/sào lên hơn 1 tỷ đồng/sào, nhiều nơi có vị trí đẹp bị thổi lên vài tỷ đồng/sào. Giá tăng phi mã nhưng có rất nhiều người đến xem đất.
Thông tin từ UBND xã Hòa Đông xác nhận, thời gian qua, có nhiều khu đất tuy chủ nhà không bán nhưng “cò” đất vẫn rao bán, cắm biển quảng cáo, sẵn sàng nhận đặt cọc. Chính quyền đã tiến hành kiểm tra, nhổ bỏ. Đại diện UBND xã cũng cho biết: “Người mua tìm về đông, gây sốt từng thời điểm, nhưng lượng giao dịch thực tế rất ít”.
Cẩn trọng để tránh “bom xịt”
Đầu tháng 8/2022, trước tình trạng giá bất động sản tăng bất thường, UBND tỉnh Hưng Yên đã phải nhanh chóng ra “tối hậu thư” để cảnh báo nhà đầu tư.
Cụ thể, trong văn bản phát ra, UBND tỉnh Hưng Yên cảnh báo tình trạng sốt ảo đang xảy ra ở các địa phương giáp ranh Hà Nội như huyện Văn Giang, huyện Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào,… hay các khu vực có dự án đô thị lớn, khu công nghiệp, dự án hạ tầng giao thông.
"Tình trạng này cần được kiểm soát để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, đồng thời, có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và việc thu hút đầu tư của tỉnh", văn bản của UBND tỉnh Hưng Yên nêu.
Về tình trạng sốt đất ảo vẫn âm thầm lan ra, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia Đại học Việt Đức, chia sẻ năm 2022 được đánh giá là năm của đầu tư công, nâng cấp hạ tầng kết nối, cải thiện tiện ích khu vực, vì vậy giá đất ở nhiều vùng quy hoạch sẽ có chiều hướng tăng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ đang là ý tưởng, sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu, hoặc nhiều dự án chỉ là tin đồn. Lợi dụng điều này, nhiều môi giới hoặc những người muốn bán sẽ tung tin nóng, đẩy giá bán lên cao, gây sốt ảo. Vì vậy, các nhà đầu tư, đặc biệt là những "tay ngang" có ý định xuống tiền cần cẩn trọng.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo: “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt do thông tin quy hoạch. Đồng thời, cần lựa chọn những nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động hợp pháp để được tư vấn”.
Còn khi tiếp xúc với môi giới, theo chuyên gia, các nhà đầu tư nên liên hệ với những môi giới có uy tín, trường hợp không thể thì cần lưu ý khi môi giới có các đặc điểm như giới thiệu quá bùi tai, khi tư vấn trực tiếp thì liên tục có người đến xin tư vấn, đòi chốt hợp đồng; cẩn trọng những lời rao vặt trên tờ rơi, mạng xã hội…
Về phía địa phương, để ngăn chặn tình trạng sốt đất khi có quy hoạch, các chuyên gia khẳng định các quy hoạch cần minh bạch, rõ ràng, có chiến lược lâu dài trước khi đề xuất và công bố thông tin, qua đó hạn chế tình trạng nhà đầu cơ lợi dụng thổi giá.
Bên cạnh đó, khi có các thông tin quy hoạch, đề xuất quy hoạch, các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, kiểm tra các giao dịch, hoạt động mua bán bất động sản có dấu hiệu bất thường, ngăn chặn tình trạng các môi giới tụ tập, dựng rạp, dùng “quân xanh, quân đỏ” để gây nhiễu loạn.
Có thể thấy, giữa "muôn trùng vây", khi các cơ quan quản lý vẫn chưa thể làm sạch thị trường, các quy định pháp lý chưa thể loại bỏ “cò” thao túng giá, các nhà đầu tư bất động sản vẫn cần tự bảo vệ mình với “tấm khiên” tốt nhất là sự tỉnh táo và tìm hiểu thấu đáo.
Hưng Nguyên