Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khuyến cáo “khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tiếp cận vay vốn từ các kênh chính thức”. Nhưng trên thực tế, điều này không dễ, đặc biệt với những người có nhu cầu vay mua nhà.
Nặng gánh lãi suất tăng
Thống kê cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà thời điểm hiện tại đã tăng khá mạnh so với năm 2021. Đơn cử, Vietcombank những năm qua luôn là một trong những “địa chỉ quen” của người mua nhà với dòng vốn rẻ nhưng từ đầu tháng 8 đã điều chỉnh lãi suất cho vay tăng 4% so với tháng 3.
Một số ngân hàng khác cũng tăng mức lãi vay như VIB từ 8,7%/năm lên 9%/năm, vay sửa chữa nhà lên 9,4%/năm; Hong Leong Bank điều chỉnh tăng mạnh lãi suất thêm khoảng 1,7%, lên mức 7,29%/năm cố định trong 1 năm đầu, 8,39%/năm cố định 2 năm đầu, 8,69%/năm cố định 3 năm đầu…
Mặt bằng lãi suất tăng vọt, nhưng để vay được tiền là điều không hề đơn giản. Với số vốn tích lũy 1,1 tỷ đồng trong tay, hơn một tháng qua, anh Lê Tiến Dũng chật vật tìm địa chỉ vay thêm 500 triệu đồng để mua căn hộ 42m2 ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Anh Dũng chia sẻ, vì không thể với tới các căn hộ ở trung tâm, anh chấp nhận mua nhà ở xa hơn để giảm gánh nặng nợ. Từ đầu tháng 7/2022, sau khi đã đặt cọc 300 triệu đồng, anh tiến hành giải hồ sơ vay tại 5 ngân hàng nhằm kịp hạn tất toán vào cuối tháng 8, và câu trả lời chung của các ngân hàng đều là “chờ”.
Hết tuần đầu tháng 8, khi các hồ sơ vẫn đang trong tình trạng “bặt vô âm tín”, anh Dũng đã nghĩ tới các phương án đi vay nóng để tất toán theo lịch hẹn (nếu không sẽ mất 300 triệu đồng tiền đặt cọc). Bất ngờ vào lúc tưởng đã hết hy vọng, mới đây anh nhận được thông báo mời thực hiện thủ tục cho vay của một trong 5 ngân hàng đã liên hệ.
“Để được giải ngân, tôi phải chấp nhận mức lãi suất cao nhất mới áp dụng, hơn 10%/năm, đồng thời mua thêm gói bảo hiểm trị giá 30 triệu đồng, tức bằng gần 6% khoản vay. Dù rất khó chịu nhưng trong tình cảnh hiện tại thì thế cũng là may rồi”, anh Dũng thổ lộ.
Gánh nặng lãi suất tăng đang đè lên vai của nhiều người mua nhà. |
Trước đó, trong bài viết của Vnbusiness cũng thông tin, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy tình trạng người mua nhà bất ngờ gặp “phanh gấp” khi vay vốn tại các ngân hàng xảy ra với mật độ ngày càng nhiều kể từ cuối quý I/2022, và có thể còn kéo dài ít nhất đến hết năm 2022. Đặc điểm chung là người đi vay khó hơn, lãi suất cao hơn và điều kiện thêm ngặt nghèo.
Ở một số ngân hàng quốc tế, các gói vay ưu đãi có lãi suất tốt hơn, tuy nhiên hồ sơ phải “sạch”, tài sản thế chấp được thẩm định gắt gao và phí phạt khá cao (ở mức trên dưới 4%). Đồng thời, dường như có nguyên tắc ngân hàng nào thẩm định cho vay dễ thì lãi suất sẽ cao, còn cho vay khó thì lãi suất sẽ thấp hơn.
Loay hoay tìm lối thoát
Có thể thấy, nhiều người mua nhà đang chật vật tìm nguồn vốn vay dù mặt bằng lãi suất ngày càng đắt đỏ. Nhưng bên cạnh gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, không ít người cũng đang oằn vai trả lãi các khoản vay hiện hữu trong bối cảnh vật giá leo thang.
Với khoản vay 1 tỷ đồng trả trong 5 năm cùng lãi suất cố định 7,6%/năm, hiện mỗi tháng, anh Vũ Văn Tiến (Hà Nội) phải trả 23 triệu đồng cả gốc và lãi cho ngân hàng, chiếm khoảng 60% thu nhập. Dù đang phải căng mình trả nợ, nhưng anh Tiến nhận định “mình vẫn còn may chán”.
“May là vì mình đã vay sớm. Cùng ngân hàng này, giờ lãi suất đã tăng lên hơn 10%/năm. Lãi suất vay cố định 12 tháng hiện ở mức 9,5%/năm nhưng cũng chỉ áp dụng cho 60% vốn vay, 40% còn lại phải chịu lãi suất thông thường từ 11,6 - 12%/năm. Một số bạn bè của tôi có người đang chịu lãi 13 - 14%/năm”, anh Tiến lý giải.
Không chỉ chật vật để trả nợ, nhiều người mua nhà thậm chí đang nghĩ đến chuyện bán nhà để “cắt nợ”. Như trường hợp của anh Lê Hoàng Nam (Hà Nội) với khoản vay 1,3 tỷ đồng, tương đương 50% giá trị căn hộ.
Anh Nam chia sẻ: “Ở tuổi 29, việc mua được một căn nhà từng là niềm tự hào của tôi. Nhưng nay vật giá leo thang, cộng thêm mỗi tháng lại phải trả hơn 25 triệu đồng ngân hàng khiến tôi gần như kiệt sức. Tôi đang tính đến việc bán lại nhà để quay về ở thuê, nhưng giờ để bán được giá tốt cũng rất khó”.
Đáng chú ý, tình trạng “siết tín dụng”, lãi suất tăng không chỉ ảnh hưởng đến người mua nhà ở thực mà còn khiến không ít nhà đầu tư rơi vào thế khó. Đây là lý do làn sóng cắt lỗ trên thị trường thứ cấp đang âm thầm lan ra trong thời gian qua.
Trong bối cảnh hiện tại, theo các chuyên gia, người vay mua nhà phải cân nhắc kỹ khả năng trả nợ. Tỷ lệ an toàn là các khoản thanh toán không quá 30-40% thu nhập hàng tháng. Còn với nhà đầu tư, đây là thời điểm thích hợp cho cuộc đua đường dài, tuyệt đối không dùng đòn bẩy tài chính.
TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận định trong bối cảnh kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn tăng mạnh, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền trở lại, do đó sớm muộn lãi suất cho vay, trong đó có vay mua nhà sẽ phải điều chỉnh tăng và thực tế đã tăng và sẽ tiếp tục tăng.
Vì vậy, người mua nhà luôn cần tính toán kỹ khả năng và dòng tiền chi trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng. Bởi lẽ thông thường thời gian đầu vay vốn, khách hàng sẽ được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi, nhưng hết thời gian ưu đãi, lãi suất được thả nổi theo thị trường.
Hiến Nguyễn