Nhiều dự án bỏ hoang hàng chục năm bỗng "bật dây" sau những thông tin được đồn thổi về quy hoạch (Ảnh: TL) |
Nhìn lại hơn 10 năm trở lại đây, nhiều vùng đất đã “lên cơn sốt", với những thông tin rất mù mờ về quy hoạch như thông tin chuyển trung tâm hành chính Hà Nội lên Ba Vì, huyện lên quận, xây dựng khu nghỉ dưỡng, xây dựng đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt…
Nhiều lô đất “ma” đã thoát hàng
Trước cơn sốt đất như lên đồng thời gian qua cho thấy, một điểm chung là đất tăng giá ở những khu vực cũng đã tăng cách đây nhiều năm. Đất chủ yếu tăng là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất rừng, đất vườn, đất dự án “đắp chiếu”…
Đơn cử như ở Mê Linh, cách đây hơn chục năm, khi sáp nhập về Hà Nội, một loạt dự án được mọc lên như nấm sau mưa. Nhưng khi Mê Linh về Hà Nội đã lâu mà các dự án đô thị vẫn bỏ hoang không một bóng người, giá đất giảm thảm hại, nhà đầu tư chán nản buông xuôi, nguy cơ bị Hà Nội thu hồi lại rất lớn. Rồi bỗng một hôm, các nhà đầu tư lại ùn ùn kéo về làm giá đất tăng như lan đột biến. Những mảnh đất hàng thập kỷ cỏ mọc um tùm, thì nay bỗng hồi sinh tăng giá vài tỷ một lô. Người mua sau tiếp tục lại trả giá cao hơn người mua trước.
Anh Trung Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) khoe vừa bán được lô đất đã mua cách đây hơn 10 năm giá 2,2 tỷ, nay bán được 3,9 tỷ. Mặc dù tính theo lãi suất gửi ngân hàng thì thua, nhưng bán được còn hơn phải “găm” không biết bao giờ mới rút chân ra được.
Hay như tại Đông Anh, cơn sốt đất cách đây 3 năm cũng đã chôn vốn của biết bao người kỳ vọng về thành phố thông minh, kể cả nhiều môi giới cũng không kịp rút chân, thì nay họ bình chân như vại bán được những lô đất “đắp chiếu”.
Giới đầu tư đất tại Vân Đồn cũng đang kháo nhau “rút chân” ra khỏi đây khi giá đất đã về tới con số mà gần 3 năm trước đó họ đã đầu tư và kỳ vọng về đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt. Anh Trần Bảo Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, nghe môi giới “rót mật” về tương lai của Vân Đồn nếu được Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, anh đã bán cả căn chung cư tại trung tâm Hà Nội để đầu tư 2 lô đất tại thị trấn Vân Đồn. Nhưng người tính không bằng trời tính, anh đầu tư hồi tháng 4/2018, lúc giá đang ở đỉnh, thì cuối tháng 5/2018 Quốc hội không thông qua Dự luật, khiến giới đầu tư như “ong vỡ tổ”.
Tương tự, thành phố mới Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được phê duyệt năm 1996 với diện tích hàng ngàn ha, kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị sầm uất của tỉnh Đồng Nai cũng như là đô thị vệ tinh phía đông của TP. HCM. Nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ đã vào xây dựng, nhưng qua 5 lần sốt đất thì đến nay, thành phố này vẫn chỉ là thành phố “ma”.
Cuộc chơi của “đội lái”
Có thể thấy, những cơn sốt đất đi qua các khu vực đã từng sốt, giá được đẩy cao, thì nay các chiêu thức đều lặp lại một cách bài bản. Như Ba Vì, các môi giới tự do tung thông tin khu vực này sẽ được quy hoạch các khu nghỉ dưỡng. Huyện Mê Linh và Đông Anh (Hà Nội) nằm trong quy hoạch 2 bờ sông Hồng, cùng hàng loạt các dự án đình đám của nhiều Tập đoàn BĐS lớn sẽ đầu tư vào đây. Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ triển khai hàng loạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp…
Một số chuyên gia nhận định, việc tăng giá ở một số dự án bỏ hoang là chiêu "ve sầu thoát xác" (Ảnh: TL) |
Còn thành phố mới Nhơn Trạch, sau 5 lần sốt đất, thời gian này lại tiếp tục có thông tin xây dựng cầu Cát Lái bắc qua sông Sài Gòn để sang quận 2, TP. HCM, nhưng cho đến nay đây vẫn chỉ là câu chuyện mượn cớ tạo “sóng” hoặc thoát hàng của dân đầu cơ…
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn. Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhìn nhận rằng, điều ngạc nhiên là các cơn sốt đất diễn ra như theo một chu kỳ nhất định, vài năm diễn ra một lần, mỗi lần ở một khu vực khác, nhưng lần này hầu hết trên cả nước. Nhà đầu tư cần tỉnh táo, vì giá bị đẩy cao nhưng thực chất khu vực đó chưa phát triển, chưa có tiện ích gì, thậm chí có khu vực còn chưa được phê duyệt quy hoạch, nhưng chủ đầu còn bán “lúa non”, người dân thấy hám lợi bán cả đất nông nghiệp, đất vườn.
Một số chuyên gia đánh giá, trong quân sự, kế “ve sầu thoát xác” chỉ việc tạo bề ngoài giả tạo nhằm khiến đối phương hoang mang, án binh bất động, còn bản thân thoát an toàn.
Tuy nhiên, trong kinh doanh, đặc biệt là đất đai, với chiêu thức thổi giá, đẩy giá BĐS khiến người dân tin tưởng đầu tư vào, những người “chôn vốn” vào BĐS bao năm nay đã thoát hàng an toàn, để lại cho người đến sau hậu quả chưa biết khi nào lấy được vốn.
Đây thực chất là cuộc chơi của những nhóm “đội lái”. Những người này có tài chính và nắm bắt các thông tin nhanh nhạy và sớm hơn. Họ là những người tạo ra cơn sốt đất, đẩy giá đất đạt đỉnh chốt lời rồi rút lui. Những người nhảy vào sau cùng sẽ “chết chìm” cùng với tài sản của mình.
Hải Sơn