Nhiều người lao vào "cơn sốt" đất, giá BĐS bị đẩy cao quá giá trị thật gây nguy hại cho nền kinh tế (Ảnh: Int) |
Khắp nơi làng trên xóm dưới, đất nền như “lên đồng”, cả nước như lao vào vòng xoáy mua bán đất đai khi dòng tiền dường như đầu tư không hiệu quả ở các kênh khác mà phải tìm tới đất nền "trú ẩn".
"Loạn buôn đất"
Nhìn lại 3 tháng đầu năm, "cơn sốt đất" càn quét qua các địa phương cho thấy một điểm chung: hiện tượng tăng giá, đẩy giá phần lớn diễn ra tại khu vực đất làng xóm, đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp, thậm chí đất rừng, đất dự kiến gần khu vực xây dựng sân bay…
Đầu tiên phải kể đến đất Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi (TP. HCM), những nơi "sốt đất" đều không nằm trong dự án có đầy đủ pháp lý, mà là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp… được các môi giới tự do tung tin, đẩy giá tạo sự khan hàng.
Hiện tượng sốt đất tại Bình Phước, Phan Thiết cũng tương tự, khi chỉ có thông tin khảo sát xây dựng sân bay, giá đất xung quanh khu vực đó lập tức tăng “phi mã”. Điều đáng ngạc nhiên là những lô đất đó chưa có quy hoạch chi tiết, thậm chí là đất vườn, đất chưa được cấp giấy phép sử dụng đất mà giới đầu cơ mua đi bán lại nhiều lần khiến giá đội lên càng cao.
Tại các vùng ven đô của Hà Nội, tình trạng "sốt" cũng không kém. Đất Đồng Chanh, đất Ba Vì... chủ yếu là nơi “đồng không mông quạnh”, được thổi lên xây dựng khu nghỉ dưỡng, homestay, nhà vườn… để giá đất nhảy múa từng ngày. Có những thửa đất chỉ có giá 450 triệu đồng vào năm năm 2020 mà chưa đầy một năm đã nhảy lên 2,5 tỷ đồng.
Không chỉ là giá đất nông nghiệp, phi nông nghiệp “nhảy múa”, tại các dự án bị bỏ hoang, "đắp chiếu" cũng được “cò” đẩy giá nhằm thoát hàng. Vì thế mà mới đây, Hà Nội và Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra, rà soát hàng chục dự án bỏ hoang, chưa đóng tiền sử dụng đất. Trường hợp dự án nào không có khả năng triển khai, chính quyền địa phương sẽ thu hồi. Chỉ tính riêng huyện Mê Linh (Hà Nội) đã có 60 dự án chậm triển khai, bỏ hoang hàng chục năm. Vì vậy, vừa qua, thị trường BĐS huyện này được một dịp “tung hoành ngang dọc” với những câu view, những chiêu đẩy giá, kích giá. Nhiều dự án "bất động" hàng chục năm bỗng dưng thoát hàng, nhưng những người dính phải chiêu tung giá lại hứng đòn chịu trận cho đợt "sốt ảo" này. Người dân thì vẫn trong cơn "say đất", nhà nhà buôn đất, người người bán đất.
Méo mó thị trường
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa xuân lần thứ nhất, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, thị trường BĐS vẫn giữ được nhịp tăng, giá BĐS tăng và hiện tượng "sốt đất" là có thật. Điều đó chứng tỏ kênh đầu tư BĐS vẫn hấp dẫn với người dân.
Theo ông Hà, do BĐS là kênh đầu tư an toàn, nguồn cung tại một số địa phương trong đó có Hà Nội và TP.HCM hạn chế, nên dẫn tới mất cân đối: cầu nhiều - cung ít.
“Đợt "sốt" đất nền tại một số địa phương lần này có điểm chung là các dự án có giấy phép xây dựng không có biến động lớn, mà biến động ở vị trí, khu vực không nằm trong quy hoạch như đất ở làng xóm, đất phi nông nghiệp, thậm chí đất phi nông nghiệp”, ông Hà nhấn mạnh.
Bất chấp đất có đầy đủ pháp lý hay không, nhiều người vẫn lao vào như "thiêu thân". |
Bên cạnh đó, "sóng" tăng giá xảy ra thông qua thông tin quy hoạch như sân bay, các dự án của các doanh nghiệp lớn… Trước đây, thời gian "sốt" xảy ra ngắn, có thể một vài tuần hoặc một vài tháng, tàn phá cả vấn đề xã hội, công ăn việc làm, rồi lại bình yên. Đơn cử như huyện Ba Vì (Hà Nội), hơn 10 năm trước, "sốt" đất đã đi qua, nhưng hiện nay thực trạng vẫn vậy.
Ở góc nhìn từ Luật Đất đai, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, từ năm 2016 - 2020, Chính phủ đã 4 lần ra chỉ thị về sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa và có lẽ đến năm 2023 mới có thể thực hiện sửa.
Hiện nay, Luật còn rất nhiều bất cập lớn, cản trở phát triển kinh tế. Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai cứ bị ách tắc với những quy định cũ. Đơn cử như đất nông nghiệp, hiện nay vẫn chưa thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả. Đây là câu chuyện phức tạp và cần có thay đổi. Hiện nay, chuyển nhượng đất đai tại nông thôn gần như không làm thủ tục mà theo hình thức giấy tay là chính.
Tiếp theo là ách tắc về vấn đề phát triển nhà ở, ách tắc đối với các dự án BĐS du lịch (Luật Đất đai hiện hành chưa có dòng nào về loại hình này). Cuối cùng là vấn đề người nước ngoài mua chui đất tại Việt Nam như báo chí truyền thông đã phản ánh.
“Điều quan trọng là những bất cập này tác động trực tiếp đến thị trường BĐS và làm méo mó thị trường”, ông Võ nói.
Tình trạng "sốt" đất xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. Các quốc gia trên thế giới dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở tại đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ.
“Về nguyên tắc, thị trường BĐS phải khai thác giá trị đầu tư trên đất, chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Đầu tư bỏ tiền vào BĐS để tăng giá bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Minh Trang