Doanh nghiệp lớn tiếp cận đất đai đã khó, DNVVN còn khó khăn gấp nhiều lần. Như ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội DNVVN Hà Nội, phản ánh Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hội nghị để thu hút các nhà đầu tư, chia sẻ thông tin về quy hoạch. Tuy nhiên, rất ít DNVVN vẫn chưa được tiếp cận các hội nghị này.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học, Thanh tra Chính phủ, cho rằng tiếp cận về đất đai tức là tiếp cận thông tin quản lý về đất đai. Đó là liên quan đến quy hoạch, kế hoạch; vấn đề công khai thu hồi đấu giá, đấu thầu chuyển mục đích sử dụng đất và vấn đề thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng.
Minh bạch thông tin
Việc cải thiện môi trường kinh doanh thể hiện hiệu quả của công tác quản lý. Các cơ quan đấu giá quyền sử dụng đất, đối với bất kỳ dự án nào, đều phải minh bạch thông tin để xã hội kiểm soát được, doanh nghiệp nắm được. "Nhưng đâu đó vẫn còn chưa công khai minh bạch thì tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn có đất sống", ông Khanh nói.
Liên quan đến vấn đề khó tiếp cận đất đai và doanh nghiệp e ngại khi thuê đất của Nhà nước. Gs. TsKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng nguyên nhân là do thiếu tính ổn định khi không biết doanh nghiệp sẽ được sử dụng bao nhiêu năm. Thời gian sử dụng càng dài thì càng tạo tâm lý ổn định cho doanh nghiệp sử dụng đất.
Luật Đất đai năm 2003 đã quy định sau một năm không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 2 năm dự án không thực hiện đúng tiến độ thì Nhà nước thu hồi đất, nhưng không có quy định Nhà nước lấy luôn tài sản đã đầu tư trên đất hay không.
Luật Đất đai 2013 củng cố cơ chế này, khi doanh nghiệp đã thể hiện được điều kiện là dự án treo thì được gia hạn thêm 24 tháng. Nhưng sau 24 tháng, nếu không đưa đất vào sử dụng đúng tiến độ thì Nhà nước thu hồi đất và thu hồi luôn tài sản đã đầu tư trên đất. Đây là điều mà doanh nghiệp rất e ngại.
Trên thực tế, các DNVVN của Việt Nam trong quá trình đầu tư có rất nhiều tình huống xảy ra dẫn đến chậm đưa đất vào sử dụng. Cứ chậm là doanh nghiệp bị thu hồi cả đất đai, cả tài sản trên đất. "Điều này thể hiện ngay ở câu chuyện PCI và đây cũng là vấn đề mà cần phải sửa đổi lại Luật Đất đai 2013", ông Võ kiến nghị.
Theo Gs. TsKH Đặng Hùng Võ, một trong những nguyên tắc để quản trị đất đai tốt là phải dựa trên ba yếu tố: công khai minh bạch thông tin; động viên sự tham gia của người dân giám sát; trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trước sự giám sát của người dân.
Chậm đưa đất vào sử dụng và câu chuyện thu hồi tài sản trên đất |
Xử phạt bằng tiền
Luật Đất đai cũng đã có nhiều thay đổi, nhưng trên thực tế, những quy định này vẫn còn nằm trên giấy và việc đưa vào thực tế hiện nay còn rất khó khăn.
Đơn cử như hiện nay, một câu hỏi vẫn đặt ra là "công khai thông tin đất đai có yêu cầu công khai chủ sử dụng đất hay không". Xét về tình hình chung, công khai thông tin hệ thống đất đai, hiện nay chúng ta chưa có được dữ liệu chuẩn hoá để có thể liên kết. Hiện mới có hai tỉnh Đồng Nai và Vĩnh Long có thông tin công khai về đất đai, mặc dù thông tin vẫn chưa đầy đủ.
Trả lời cho câu hỏi "Cần sửa nội dung nào trong Luật Đất đai 2013" để DNVVN có thể tiếp cận đất đai thuận lợi, ông Đặng Hùng Võ cho rằng câu chuyện Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ hay đất chưa sử dụng là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, lấy luôn tài sản trên đất về bản chất là không phù hợp với hiến pháp. Theo Gs.Võ, điều này chúng ta cần phải sửa, nhưng không bằng cách dùng chế tài hành chính để xử lý những trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng mà cách tốt nhất là xử phạt bằng kinh tế.
"Ví dụ như nếu chậm đưa vào sử dụng một năm phạt 100 triệu đồng; chậm năm thứ hai cũng sẽ tăng lên 120 triệu đồng", Gs. Võ nói.
Thông thường, Nhà nước cân nhắc từ lợi nhuận thu được từ sử dụng đất, còn trong bài toán đầu tư chậm bao nhiêu thời gian thì lúc đó phải tăng tiền phạt lên cao tương xứng.
Như vậy, nhà đầu tư hoàn toàn mạch lạc trong tính toán bài toán đầu tư của mình và họ có thể tính toán trước để quyết định như thế nào cho hợp lý.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là quyết tâm lớn của Chính phủ với những hành động quyết liệt, đi vào thực chất. Mặc dù vậy, sự tồn tại của xu hướng khó khăn hơn trong tiếp cận đất đai và sự thiếu ổn định trong sử dụng đất của doanh nghiệp cho thấy những nỗ lực là chưa đủ và quản lý nhà nước còn chưa theo kịp sự thay đổi của nền kinh tế.
Những cản trở xuất phát từ tư duy chính sách thiếu phù hợp, minh bạch và nhất quán. Bởi vậy, sự thay đổi cũng phải đi từ thay đổi tư duy, để khơi thông dòng chảy chính sách.
Minh Trang