Theo UBND Tp. Hà Nội, 47 dự án sẽ thu hồi và 161 dự án chậm triển khai đang được Hà Nội xem xét. Còn Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, con số dự án chậm triển khai có thể lên tới 383 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, trong đó có những dự án chậm tiến độ trên 10 năm.
Nhiều dự án cỏ mọc 10 năm
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã chỉ ra một loạt các dự án "án binh bất động" từ gần 10 năm nay, có những dự án chậm đến trên 10 năm. Cụ thể như dự án tại số 94 Lò Đúc (Hai Bà Trưng), số 22-24 Hàng Bài. Đặc biệt ở 19 Hàng Khoai của Happro, dự án vẽ ra hàng chục năm nay nhưng để lãng phí, gây mất an ninh trật tự.
Ngoài những dự án mà các đại biểu chất vấn, còn một loạt dự án đang gây lãng phí nguồn lực đất đai, đặc biệt là vi phạm các quy định về sử dụng đất được Nhà nước giao. Điển hình là dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) nằm tại vị trí "đất vàng" 220 đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) với diện tích hơn 13.000 m2, dự kiến khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện, dự án vẫn là bãi đất hoang cỏ mọc um tùm.
Dự án trụ sở VEC tại lô 20 – E4 Khu đô thị mới Cầu Giấy rộng 4.180m2, diện tích xây dựng 1.540m2. VEC dự kiến số tiền xây dựng trụ sở khoảng 667 tỷ đồng, đã đặt cọc tiền thuế sử dụng đất 4,18 tỷ đồng. Dự án này bất động từ năm 2008 đến nay.
Dự án của Vicem (Vicem Tower) tại lô đất 10 – E6 (cạnh toà nhà Keangnam) được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2. Dự án được khởi công năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng đến nay, Vicem Tower mới chỉ xong phần xây thô. Hiện tại, công trường dự án không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp.
Cũng tại khu vực này, lô đất E3 khoảng 1.184m2 (gồm 5 chủ đầu tư với 8 công trình vi phạm), khu đất E4 có diện tích khoảng 11.763m2 (gồm 11 chủ đầu tư với 35 công trình vi phạm), lô đất E5 có diện tích lên tới 15.122m2 (gồm 16 chủ đầu tư với 52 công trình vi phạm) đều có kết cấu khung thép, mái tôn hiện đang kinh doanh vật liệu xây dựng, salon ô tô, nhà hàng ăn uống…
Bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND Tp.Hà Nội, chất vấn: "Các dự án chậm là do yếu kém của nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. UBND Tp quyết định chủ trương thì có trách nhiệm ở trong này hay không?".
Một số đại biểu đặt vấn đề "Đối với chế tài với mức phạt 8,1 tỷ đồng cho 256 nhà đầu tư và 243 tổ chức sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai liệu có đủ sức răn đe?".
Kiên quyết thu hồi các dự án không đủ điều kiện |
Khó khăn về tài chính
Trả lời về các dự án chậm tiến độ, đại diện Sở TNMT cho biết, trong 161 dự án, có dự án vi phạm trong thời điểm Luật Đất đai 2003 còn hiệu lực, có dự án vi phạm từ thời điểm Luật Đất đai năm 2013.
Một số nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ như chậm GPMB do thay đổi chính sách; chủ đầu tư không quyết liệt chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở ngành để tháo gỡ các chính sách GPMB; khó kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2012-20215. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác là do sáp nhập Thủ đô đã có trên 240 dự án phải điều chỉnh để phù hợp với phân khu.
Giải đáp những vấn đề đại biểu nêu, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng có những dự án chủ đầu tư cùng lúc triển khai nhiều dự án, do đó có những thời điểm chủ đầu tư các dự án này gặp khó khăn về tài chính vì 80% vốn là phải đi vay.
Từ sự "hụt hơi" về tài chính dẫn đến nguyên nhân chậm triển khai. "Về nguyên tắc, khi đã ra quyết định đầu tư là phải thẩm định năng lực chủ đầu tư đủ điều kiện", ông Chung nói.
Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Chung cho biết Ban cán sự đảng UBND Tp sẽ công bố công khai danh sách 47 dự án đã được rà roát rất kỹ, đủ điều kiện để triển khai thu hồi đất.
"Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đều mời các nhà đầu tư để đối thoại thấu tình đạt lý. Những chủ đầu tư còn năng lực thực hiện thì chúng tôi sẽ tháo gỡ khó khăn, còn những nhà đầu tư không đủ điều kiện thực hiện, chúng tôi sẽ kiên quyết thu hồi", ông Chung nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Chung, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện. Như với 22 dự án trên địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố đã gia hạn đến hết tháng 8/2018, nếu các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thì sẽ kiên quyết thu hồi…
Với 46 dự án ở Mê Linh được cấp phép đầu tư vào tháng 7/2008, hiện nay có 8 nhà đầu tư mời 10 lần không lên thì 8 dự án đó phải thu hồi.
Theo báo cáo của Sở TNMT Hà Nội, hiện thành phố còn 161 dự án chậm triển khai. Nhưng theo báo cáo của các quận, huyện, con số này lên tới 383 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, trong đó có những dự án chậm tiến độ trên 10 năm.
Phạm Minh