Dù có nhiều nỗ lực cải thiện trong thủ tục hành chính đất đai, nhưng theo kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017, các doanh nghiệp tham gia điều tra cho rằng rủi ro thu hồi đất của họ ở mức cao kỷ lục, doanh nghiệp đang ngày càng khó khăn trong tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh.
Số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp có đất và có giấy chứng nhận sử dụng đất giảm nhẹ so với năm 2016 và thấp hơn nhiều so với giai đoạn từng đạt được kỷ lục - năm 2012 – 2013.
Lo ngại thu hồi đất
Mặc dù Chính phủ có nhiều cải thiện về thủ tục hành chính, song môi trường kinh doanh còn quá nhiều trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực đất đai.
Điển hình là trường hợp công ty CP XNK nông sản thực phẩm Việt Nam được chính quyền cho thuê đất kinh doanh, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa sẵn sàng thuê lại bởi lo ngại rủi ro liên quan đến chính sách đất đai.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc công ty CP XNK nông sản thực phẩm Việt Nam, cho hay ở góc độ doanh nghiệp, nhất là DNVVN, đơn vị này thông qua các mối quan hệ để tìm kiếm doanh nghiệp nào có thừa đất, chưa sử dụng hết thì thuê lại.
Lý do mà bà Hằng đưa ra là thuê lại như thế có thời hạn rõ ràng, làm việc nhất quán. Đi thuê của Nhà nước do chính sách nhiều thay đổi, nếu lãnh đạo thay đổi hoặc luân chuyển công việc thì đương nhiên doanh nghiệp có thể lại không được thuê ở đó nữa. "Mỗi lần di dời rất mất thời gian và tiền bạc nên chúng tôi chọn phương án an toàn", bà Hằng nói.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước gặp trở ngại liên quan đến đất đai, ông Matthew Powell, Giám đốc công ty Savills Hà Nội, cho biết thị trường Việt Nam đang rất thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên vẫn có những khó khăn để thu hút nguồn vốn này.
Ông Kim Heung Sun, Chủ tịch Phòng thương mại Hàn Quốc, chia sẻ Tập đoàn Thép Posco đã liên doanh với Việt Nam vào năm 1994. Tháng 01/2019, tập đoàn mới đến thời gian gia hạn của liên doanh. Tuy nhiên, đến tháng 6/2017, chưa hết thời hạn liên doanh, chính quyền đã cấp mới quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp Việt Nam ở Hải Phòng, khiến cho liên doanh Posco phải kết thúc trước hạn.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đầu những năm 1990 với hình thức liên doanh cũng để cho doanh nghiệp Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nên những quyết định hành chính tương tự cũng làm ảnh hưởng đến việc chuyển giao kỹ thuật và hợp tác cùng phát triển liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
Các DNVVN rất khó tiếp cận đất đai |
Chưa công bằng giữa các DN
Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 32% doanh nghiệp cho rằng quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp; 25% doanh nghiệp nhận định rằng các tỉnh cung cấp dữ liệu không thuận tiện; chỉ có 25% trả lời họ không khó khăn gì khi thực hiện thủ tục hành chính mua, chuyển nhượng hay thuê đất, so với 29,7% của năm 2016. Đây là mức thấp kỷ lục khi điều tra CPI.
Ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục quản lý Công sản Bộ Tài chính, cho rằng khâu yếu của chúng ta là quy hoạch sử dụng đất. Từ việc lập cho đến công bố quy hoạch không ai nắm rõ được, trong khi Luật Đất đai công bố rất rõ là phải công bố công khai.
Doanh nghiệp lo ngại khi phải đối mặt với những rủi ro, nên họ rất dè dặt khi bỏ đồng vốn và công sức cho khu đất không biết rằng nay mai sẽ bị thu hồi. Hơn nữa, mức bồi thường không thoả đáng so với mặt bằng kinh doanh đã đầu tư nếu bị thu hồi.
Đánh giá về tiêu chí tiếp cận đất đai, nhiều chuyên gia cho rằng cách tiếp cận hiện nay chưa sòng phẳng, mất bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn và DNVVN.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng DNVVN không có điều kiện tiếp cận những khu đất lớn mà chính quyền thu hồi cho dự án lớn bởi họ không thể làm những dự án lớn.
Các doanh nghiệp lớn hiện nay tham gia cả vào quá trình quy hoạch phát triển các vùng miền và các địa phương, do vậy họ rất dễ tiếp cận đất đai thông qua sự hỗ trợ của chính quyền bằng việc khuyến khích đầu tư vào dự án lớn.
Đất đai là nguồn lực để phát triển, nên luôn có cuộc đua để phát triển. Trong cuộc đua cạnh tranh quỹ đất, các DNVVN luôn yếu thế.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Lập, các DNVVN không có điều kiện để tiếp cận như các doanh nghiệp lớn, họ tiếp cận bằng cách phải đi thuê lại hoặc nhận chuyển nhượng của các đơn vị đang có quyền sử dụng đất. Khi đó, họ phải trả chi phí rất lớn và cạnh tranh rất khó khăn.
Như vậy, để giúp các doanh nghiệp bình đẳng khi tiếp cận nguồn lực đất đai, hệ thống thông tin là cơ sở để quản lý một cách minh bạch. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận đất đai của DNVVN với hệ thống thông tin lại rất hạn chế.
Minh Sơn