Theo báo cáo, kết quả giám sát giai đoạn 2012-2017, UBND Tp. Hà Nội đã quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 1.914 dự án, với diện tích hơn 4.082 ha.
Đối với các dự án ngoài ngân sách, Tp đã chấp thuận triển khai 634 dự án; quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 698 dự án, tổng diện tích 1.400 ha.
Cũng trong giai đoạn này, Tp đã xử phạt vi phạm hành chính 256 nhà đầu tư, 243 tổ chức sử dụng đất, thu hồi 6 dự án và nộp ngân sách hơn 8.162 tỷ đồng.
Không thống nhất số liệu
Theo bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch thường trực HĐND Tp. Hà Nội, trong giai đoạn từ tháng 10/2012 – 31/3/2018, Tp đã ban hành 38 quyết định thu hồi đất với diện tích hơn 990 ha, trong đó có 16 quyết định thu hồi đất đã thực hiện, 22 quyết định thu hồi đất, tổ chức được giao quản lý đất thu hồi đang làm thủ tục nhận bàn giao và thực hiện công tác GPMB.
Liên quan đến thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành và giám sát của HĐND Tp, bà Hồng Hà cho biết một số nội dung đã được UBND Tp. Hà Nội tập trung thực hiện có kết quả.
Đơn cử như tháng 12/2017, Thường trực HĐND giám sát ba dự án chậm triển khai tại Ba Vì, đến tháng 4/2018, Tp đã xem xét chấm dứt hoạt dự án xây dựng khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên.
Một số dự án điển hình gây bức xúc dư luận được khắc phục như công viên hồ điều hoà Nhân Chính (Thanh Xuân); các dự án tại cụm công nghệp Lai Xá (Hoài Đức); khu nhà ở cao cấp Hemisco (công ty CP xây lắp điện máy Hà Tây)…
Bên cạnh đó, qua kiểm tra 215 dự án, trong đó có 61 dự án khắc phục các sai phạm, có 47 dự án của 5 quận, huyện được tái giám sát đã khắc phục, 98 dự án đang triển khai hoặc có vướng mắc được Sở TN-MT theo dõi, đôn đốc.
Tuy nhiên, số liệu về các dự án có dấu hiệu vi phạm có sự chênh lệch nhau. Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, còn 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai) trong giai đoạn 2012-2017; Sở Xây dựng báo cáo có 119 dự án nhà ở chậm quá 24 tháng; Sở KH&ĐT báo cáo có trên 115 dự án; Sở QHKT cáo cáo có 161 dự án; 30 quận, huyện, thị xã báo cáo có 383 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hoá.
Nói về số liệu chênh lệch này, Phó Chủ tịch HĐND cho rằng do một số đơn vị lúng túng, báo cáo không đầy đủ, không đạt yêu cầu. "Trách nhiệm chính thuộc về Sở TN&MT đối với nhóm được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất chậm 12 tháng, trách nhiệm của Sở KH&ĐT đối với nhóm dự án chậm 24 tháng theo tiến độ được phê duyệt, và Sở QH&KT đối với nhóm chậm do nguyên nhân điều chỉnh quy hoạch", bà Hồng nhấn mạnh.
Dự án Nam Đàn Plaza (quận Nam Từ Liêm), một trong những dự án chậm tiến độ |
Giao trách nhiệm cụ thể
Trong báo cáo, bà Hồng Hà cũng nhấn mạnh tình hình vi phạm về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án vẫn còn nhiều.
Bà Hồng Hà đã chỉ ra một số dự án lấn chiếm, để hoang hoá, sử dụng sai mục đích, lãng phí gây bức xúc trong dư luận như: Dự án trung tâm thương mại Đền Lừ (quận Hoàng Mai), dự án xây dựng tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp quận Thanh Xuân, dự án Nam Đàn Plaza, dự án Dsan Raffles 22-24 Hàng Bài…
Ngoài ra, nhiều dự án có kiến nghị xử lý nhưng chậm chuyển biến, 38 dự án kiến nghị thu hồi nhưng chưa hoàn thành. Cá biệt có dự án tại Ba Vì, Sở TN&MT quên hồ sơ không trình UBND Tp ra quyết định thu hồi.
Kiến nghị các giải pháp xử lý, theo bà Hồng Hà, UBND Tp. cần chỉ đạo các Sở, ngành theo chức trách, nhiệm vụ của mình tổng hợp các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn.
Đặc biệt là chỉ đạo thu hồi 38 dự án đã có quyết định thu hồi nhưng chưa triển khai. Thanh tra, kiểm tra lại 383 dự án do các quận huyện báo cáo, 161 dự án do Sở TN&MT cung cấp, 89 dự án còn tồn tại theo kiến nghị của Đoàn giám sát từ 2012.
Tại phiên giải trình mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố, đã nhấn mạnh với những dự án này, cử tri kiến nghị nhiều qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, qua các kênh thông tin báo chí phản ánh. Những hạn chế, tồn tại này cần được UBND Tp và các sở ngành, quận huyện báo cáo giải trình, làm rõ trước nhân dân, cử tri, đồng thời tìm ra giải pháp, lộ trình khắc phục.
Trước đó, cũng tại phiên giải trình ngày 13/8 của UBND thành phố trước HĐND, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường, cho biết Sở TN&MT đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để trình lên UBND Tp những dự án vi phạm, chậm triển khai.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng tiết lộ sẽ thông báo chi tiết 47 dự án sẽ thu hồi từ nay tới cuối năm 2018.
Như vậy, Hà Nội đang rất nỗ lực và quyết tâm gấp rút triển khai hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ thu hồi những dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Đồng thời cho thấy đây là dịp để các nhà đầu tư, chủ đầu tư đang được giao triển khai các dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, để góp phần phát triển Thủ đô đúng quy hoạch.
Minh Trang