Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vừa có báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023. Nhiều đơn vị báo lỗ nặng, không có doanh thu. Những tên tuổi hàng đầu như Novaland, Cenland, Danh Khôi, Đất Xanh… cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
“Đại gia” đồng loạt báo lỗ
Đơn cử, trong quý I/2023, Novaland ghi nhận tổng doanh thu giảm 69% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt hơn 604 tỷ đồng. Số thu từ hoạt động bán hàng vẫn chiếm ưu thế với 453 tỷ đồng, hoạt động cung cấp dịch vụ với hơn 151 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh, nhà phát triển bất động sản này đã báo lỗ 410 tỷ đồng quý I, giảm mạnh so với mức lãi 1.046 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Cần nhấn mạnh, đây cũng là quý đầu tiên Novaland thua lỗ kể từ khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2016 đến nay. Điều này cũng phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp này đang gặp phải thời gian qua.
Bất động sản vẫn chưa hết khó khăn dù các chính sách vĩ mô đang được đồng loạt triển khai. |
Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với kết quả chưa có nhiều khởi sắc. Doanh thu thuần giảm sâu 79% so với cùng kỳ xuống còn 378 tỷ đồng.
Doanh thu giảm khiến đại gia địa ốc phía Nam báo lỗ sau thuế 117 tỷ, trong khi cùng kỳ năm trước lãi lớn 536 tỷ đồng. Đây là quý lỗ tiếp theo sau con số âm 460 tỷ trong quý IV/2022.
Nguyên nhân, theo đại diện doanh nghiệp, là bởi doanh thu bất động sản và cổ tức được chia từ công ty con giảm do khó khăn chung, doanh số bán hàng ở mảng dịch vụ giảm trong khi công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu từ các dự án làm chủ và bán hàng thành công.
Không chỉ các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh, các công ty môi giới địa ốc cũng đang chìm trong khó khăn. Điển hình, Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (NRC) là doanh nghiệp môi giới hiếm hoi đang niêm yết trên sàn hoạt động không có doanh thu trong quý đầu năm 2023.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 vừa công bố, công ty không phát sinh doanh thu do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến chưa kịp ghi nhận được doanh thu, lợi nhuận từ các dự án mà công ty đang hợp tác đầu tư và môi giới. Trong khi cùng kỳ năm 2022, doanh thu của đơn vị đạt hơn 51 tỷ đồng.
Kết quả, Danh Khôi bị lỗ gần 17 tỷ đồng trong quý I/2023. Trước đó, trong quý IV/2022, Danh Khôi cũng chỉ kiếm được 1 tỷ đồng doanh thu và báo lỗ 60 tỷ đồng.
Hàng nghìn doanh nghiệp “chết lâm sàng”
Có thể thấy khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản từ lớn đến nhỏ. Ông Quang, chủ một doanh nghiệp tầm trung ở TP.HCM, chia sẻ với Vnbusiness rằng đã gần 1 năm nay, công ty hoạt động cầm chừng, tỷ lệ bán hàng lẹt đẹt dù đã đưa ra đủ chính sách ưu đãi, chiết khấu cao.
“Cuối năm 2022, chúng tôi còn trong rổ hàng khoảng 300 căn hộ, nhiều thời điểm chiết khấu đến 30%, nhưng đến nay chỉ bán được khoảng 30 căn. Nhiều khách đặt cọc xong thì chấp nhận chịu phạt để rút lại một phần tiền. Nhân sự của công ty hiện cũng chỉ còn lại 1/3”, ông Quang thổ lộ.
Đáng chú ý, theo ông Quang, nhiều người bạn ông là lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đang tính đến việc đóng cửa tạm thời trong phần còn lại của quý II và quý III/2023 vì kiệt quệ nguồn lực, vốn.
Những khó khăn trong thực tế được phản ánh khá rõ ràng trong báo cáo mới công bố của Bộ Xây dựng. Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản quý I/2023 đã có phản ứng tích cực, các dự án bất động sản dần được gỡ vướng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2023, Bộ Xây dựng cho biết, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới quý I này là 940, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngược lại, số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 (tăng 30,2%) và 1.816 (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh. Doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, có những đơn vị giảm 30-50% lực lượng lao động.
Về hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2022, có thêm khoảng 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
"Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu.
Nhật Minh