Tại đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra, ông Võ Hoàng Lâm, Tổng Giám đốc Coteccons, cho biết khi bất động sản gặp khó, các nhà thầu cũng chịu chung số phận. Năm 2022, doanh nghiệp này có doanh thu thuần 14.537 tỷ đồng, không đạt kế hoạch 15.010 tỷ đồng đã đề ra.
Kế hoạch lãi “khủng”
Bước sang năm 2023, giữa nhiều khó khăn, không ít nhà thầu thậm chí rơi vào cảnh “chết lâm sàng” hoặc chạy dự án dưới giá vốn, nhưng Coteccons (CTD) vẫn đặt ra mục tiêu “nhảy vọt”, duy trì vị thế dẫn đầu ngành xây dựng về mặt doanh số.
Theo đó, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu cả năm đạt 16.249 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2022.
Tương tự, đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong ngành của Coteccons là Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng đặt mục tiêu “khủng” trong năm 2023, sau khi bước ra khỏi “nội chiến” liên quan đến vị trí chủ tịch hội đồng quản trị.
Cụ thể, HBC lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế kỳ vọng là 125 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ sau thuế 1.141 tỷ đồng năm 2022. Mục tiêu doanh thu đạt 12.500 tỷ đồng, giảm 11,5% so với năm trước.
Các nhà thầu xây dựng lớn vẫn đang có nhiều tham vọng trong năm 2023 dù dự báo khó khăn chưa kết thúc. |
Trong khi đó, với Newtecons - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Trần Bá Dương - sau khi ghi nhận doanh thu vượt mốc 11.000 tỷ đồng năm 2022, cũng đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong năm 2023, dự kiến khoảng 11%.
Một “ông lớn” khác của ngành thầu xây dựng là Fecon (FCN) cũng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với kết quả thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 125 tỷ đồng, tăng 140%.
Nhìn lại kết quả năm 2022, khi Fecon mang về 3.046 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 13% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng, giảm 27% và chỉ hoàn thành 19% kế hoạch, mục tiêu năm 2023 rõ ràng là đầy tham vọng.
Theo FCN, trong năm 2023, ngành xây dựng sẽ tăng trưởng trở lại và giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, nhưng những khó khăn, thách thức từ năm 2022 vẫn tiếp tục. Công ty đặt kỳ vọng vào mảng đầu tư với lợi nhuận 60 tỷ đồng, gần bắt kịp mảng thi công.
Đáng chú ý, bất chấp những khó khăn của thị trường chung, Vinaconex dự kiến doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2022 và vượt cả mục tiêu doanh thu của doanh nghiệp đầu ngành là Coteccons.
Tuy nhiên, dù đặt tham vọng lớn về doanh thu, Vinaconex lại “cài số lùi” khoảng 8% cho mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất so với năm trước, đạt 860 tỷ đồng.
Điểm tựa từ đâu?
Giữa bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế, đặc biệt là tốc độ “lao dốc” của bất động sản, nhiều người đánh giá các nhà thầu xây dựng đang tham vọng “ảo”. Tuy nhiên, theo giới phân tích, lĩnh vực này đang có nhiều điểm tựa.
Rõ ràng nhất là dòng vốn FDI tăng mạnh. Như với Coteccons, doanh nghiệp này đã có những dự án quy mô lớn và phức tạp trong giai đoạn hiện nay, điển hình là dự án nhà máy Lego với mức đầu tư 1 tỷ USD ở Bình Dương.
Tổng Giám đốc CTD Võ Hoàng Lâm cho biết để hoàn thành mục tiêu, bên cạnh mảng xây dựng truyền thống, doanh nghiệp này sẽ tập trung vào các dự án có quy mô lớn, giá trị cao từ doanh nghiệp FDI với vai trò tổng thầu. Đồng thời, tập trung cho các dự án hạ tầng như cao tốc, metro, các dự án đường bộ, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành.
Trong khi đó, Xây dựng Hòa Bình dù đối diện với nhiều khó khăn cũng đang có nhiều động thái mới nhằm "giải nguy" cho mảng dân dụng. Trung tuần tháng 2 vừa qua, "ông lớn" này đã thông qua việc hợp tác với công ty Keystone để xây dựng 5 dự án tại Mỹ, khẳng định tham vọng tiến ra nước ngoài.
Mặt khác, Hòa Bình cũng tỏ rõ mục tiêu lấn sân mạnh hơn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khi một công ty con vừa trở thành nhà thầu liên danh thi công dự án 1 của tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 ở Thanh Hóa.
Mảng hạ tầng cũng từng được Coteccons nhắc đến nhiều lần trước cổ đông nhưng chưa có động thái cụ thể. Với định hướng thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, mảng này dự kiến sẽ là cơ hội lớn cho cả Coteccons, Hòa Bình, cũng như các nhà thầu có năng lực khác.
Trước đó, trong một bài viết của Vnbusiness dẫn lời lãnh đạo một nhà thầu lớn ở khu vực miền Trung, khẳng định để đạt được những mục tiêu lớn trong năm nay, các doanh nghiệp xây dựng đang dịch chuyển từ các dự án du lịch, nghỉ dưỡng sang các lĩnh vực như hạ tầng, nhà xưởng, kho lạnh…
“Đặc biệt, các nhà thầu sẽ chủ động chuyển hướng sang tìm kiếm các dự án nhà ở xã hội được dự báo sẽ là đòn bẩy cho thị trường trong thời gian tới”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Có thể thấy, hy vọng lớn nhất của nhà thầu xây dựng trong năm 2023 là sự phục hồi của bất động sản, cùng với đó là sự tăng tốc giải ngân đầu tư công. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay Long Thành được triển khai sẽ giúp các nhà thầu xây dựng, đặc biệt là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án, đẩy cao doanh thu và lợi nhuận.
Hưng Nguyên