Phương án 1, khu tập thể Thanh Xuân Nam sẽ xây mới 6 tòa chung cư cao 25 tầng, trong đó 12 tầng của mỗi chung cư sẽ dành cho tái định cư.
Ưu điểm của phương án này là tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch phân khu và đảm bảo cảnh quan hài hòa về tầng cao. Tuy nhiên, phương án này không đủ diện tích cho phần kinh doanh các căn hộ mới, cũng như không đủ chi phí để đầu tư hoàn vốn.
Phương án 2, khu tập thể Thanh Xuân Nam vẫn được xây mới 6 tòa chung cư nhưng chiều cao các tòa này là từ 35-50 tầng. Tuy nhiên, việc tăng chiều cao các khu chung cư này lại không tuân thủ quy hoạch phân khu.
Vinaconex đề xuất 2 phương án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Thanh Xuân Nam (Ảnh: Internet) |
Với phương án 2, diện tích sàn và dân số sẽ tăng lên khoảng 1,8 lần so với phương án 1. Bên cạnh đó, ưu điểm của phương án là đủ diện tích cho phần kinh doanh các căn hộ mới mà vẫn đảm bảo cảnh quan hài hòa về tầng cao và chủ đầu tư có hiệu quả dự án.
Theo phương án 2, chủ đầu tư sẽ thực hiện tái định cư và kinh doanh các căn hộ mới theo từng giai đoạn theo tỷ lệ 35-40% dành cho tái định cư, 60-75% dành cho việc kinh doanh. Cụ thể, 12 tầng của các tòa CT1, CT4 sẽ dành cho tái định cư, 13 tầng của 2 tòa CT2, CT3 dành cho tái định cư và 9 tầng của 2 tòa CT5, CT6 dành cho tái định cư.
Được biết, khu tập thể Thanh Xuân Nam có tất cả 8 khu nhà tập thể cũ gồm: H3, H4, H8, H9, G4, G5, G6, G7 với số tầng cao trung bình từ 3-5 tầng. Tổng diện tích sàn xây dựng của khu tập thể Thanh Xuân Nam là 68.538,92m2.
Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ xây dựng trong giai đoạn 1960 – 1980 thế kỷ trước. Đa số các chung cư này đã quá tuổi, xuống cấp, xập xệ… đứng trước nguy cơ mất an toàn cao tập trung chủ yếu tại các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa... Đây cũng là những khu nhà cấp bách phải thực hiện cải tạo, sửa chữa cho người dân sinh sống an toàn nhưng do những vướng mắc, chủ trương này gần như vẫn dậm chân tại chỗ.
Minh Phạm