Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL) mới đây đã công bố báo cáo Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu 2024 (GRETI). Dựa trên khảo sát toàn cầu và mạng lưới chuyên gia thị trường rộng lớn, bảng xếp hạng năm nay sử dụng 256 chỉ số riêng lẻ để đánh giá tính minh bạch của thị trường tại 89 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu 2024. |
256 chỉ số riêng lẻ đã được chia thành 14 lĩnh vực chủ đề, sau đó được nhóm lại thành 6 chỉ số phụ gồm: Hiệu quả đầu tư, các nguyên tắc cơ bản của thị trường, khả năng quản trị các công cụ đầu tư niêm yết, quy định và pháp lý, quy trình giao dịch và tính bền vững.
“Trong thời điểm bất ổn gia tăng này, tính minh bạch quan trọng hơn bao giờ hết vì đây là nền tảng cho phép người sở hữu bất động sản, nhà đầu tư và bên cho vay hoạt động, cũng như đưa ra quyết định một cách tự tin”, báo cáo JLL chỉ ra.
Tại bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam đứng thứ 49, tiếp tục nằm trong nhóm “bán minh bạch” (Semi). Việt Nam lần đầu tiên bước vào nhóm này năm 2020, ở vị trí xếp hạng 56/99 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân loại với 210 chỉ số riêng lẻ.
Kể từ khi JLL bắt đầu thực hiện báo cáo vào năm 1999, các chỉ số đã liên tục được phát triển và tinh chỉnh để phản ánh thay đổi nhu cầu của các nhà đầu tư xuyên biên giới. Tại bảng xếp hạng gần đây nhất vào năm 2022 với 254 chỉ số phân loại, Việt Nam đứng thứ 52/94.
Chỉ số GRETI năm 2024 cho thấy mức độ minh bạch đã được cải thiện ở phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhóm "minh bạch cao" đã ghi nhận tiến bộ mạnh mẽ nhất và tiếp tục vượt xa các thị trường còn lại. Vương quốc Anh duy trì vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng. Pháp và Mỹ chia nhau vị trí thứ 2 và 3. Việc tích hợp công nghệ tiên tiến, tăng cường quy định và báo cáo về tính bền vững, tính sẵn có của dữ liệu chi tiết và cung cấp dịch vụ kỹ thuật số đã góp phần giúp nhiều quốc gia gia nhập danh sách các nước cải thiện hàng đầu như Canada, Úc.
Các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận những cải thiện đáng kể về mức độ minh bạch trung bình kể từ năm 2022, được dẫn đầu bởi các thị trường lớn và minh bạch nhất của khu vực.
Cụ thể, Singapore đã gia nhập nhóm “minh bạch cao”. Nhật Bản và Úc tăng điểm nhờ các yêu cầu mới về công bố thông tin ESG và khí hậu, các tiêu chuẩn xây dựng, kết hợp với việc tăng cường khả năng tiếp cận dữ liệu cho các lĩnh vực bất động sản thay thế.
Ấn Độ là quốc gia cải thiện minh bạch tốt nhất trên toàn cầu, với phạm vi và chất lượng dữ liệu ngày càng tăng ở cả các lĩnh vực bất động sản chính và lĩnh vực ngách, từ bất động sản công nghiệp đến trung tâm dữ liệu, khi quá trình tổ chức hóa thị trường ngày càng tăng. Một cơ quan quản lý tài chính chủ động hơn, các hướng dẫn công bố rủi ro khí hậu mới, quy định xây dựng được hợp lý hóa và hồ sơ đất đai số hóa cũng góp phần đưa các thành phố hàng đầu của nước này vào nhóm "minh bạch".
Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia thuộc châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận sự cải thiện đáng kể nhất. Tính minh bạch được hỗ trợ bởi thị trường REIT (quỹ đầu tư tín thác bất động sản) đang phát triển, sự sẵn có của dữ liệu được cải thiện - đặc biệt là đối với lĩnh vực văn phòng và công nghiệp, các quy định mới về Xây dựng Tiêu thụ Năng lượng Bằng Không (ZEB)...
Trong khi đó, Trung Quốc đại lục - thị trường lớn nhất khu vực vẫn đang đối mặt với những thách thức trong ngành bất động sản và sự chênh lệch lớn về mức độ minh bạch giữa các thành phố.
Đỗ Kiều